Nhiều thương hiệu xe máy “lạ”
Theo khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn những thương hiệu lớn, có uy tín và chính sách bảo hành chung theo hãng để an tâm về chất lượng xe máy điện. Ảnh minh họa: Trần Tùng.
Ngày 25/7, ghi nhận của PV tại một số tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng xe máy tại Hà Nội cho thấy, lượng khách đến tìm hiểu, chọn mua xe khá nhộn nhịp. Đa số khách hàng quan tâm đến các mẫu xe không yêu cầu bằng lái, gồm xe máy điện tốc độ tối đa 50km/h và xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50cc.
Các mẫu xe máy 50cc phổ thông có giá dao động từ 15 - 25 triệu đồng. Phân khúc cao cấp có một số xe nhập khẩu của Honda, Yamaha, giá từ 65 triệu đến hơn 70 triệu đồng.
Với xe máy điện, những hãng phổ biến có VinFast, Yadea, Nijia, Dibao, Pega... Hầu hết cũng có giá trong khoảng từ hơn 15 đến gần 30 triệu đồng.
Ngoại trừ VinFast, phần lớn xe máy điện cho học sinh hiện dùng ắc quy chứ không trang bị pin. Theo các cửa hàng, độ bền ắc quy khoảng từ 2 - 3 năm tùy người sử dụng. Một số nơi còn cung cấp dịch vụ thay ắc quy theo xe bằng pin cho khách hàng có nhu cầu.
Nhân viên một cửa hàng xe máy trên đường Hoàng Quốc Việt cho biết, về tính năng, các mẫu xe máy điện cho học sinh gần như tương tự nhau. Khác biệt về giá bán chủ yếu đến từ chất lượng linh kiện và thời gian bảo hành.
Những mẫu giá cao hơn sẽ có thời gian bảo hành dài, động cơ và linh kiện ổn định, bền bỉ hơn. Loại giá rẻ được bảo hành ngắn, khoảng một năm.
Sau thời gian sử dụng động cơ dễ bị gằn, xe chạy có cảm giác lọc xọc, không còn êm và mượt.
Trong khi hầu hết các thương hiệu kể trên đều có sự hiện diện chính hãng tại Việt Nam, có thông tin rõ ràng về danh mục sản phẩm, chính sách bảo hành và hệ thống đại lý, trung tâm bảo hành, sửa chữa nhưng cũng có nhiều thương hiệu xe máy “lạ”, không nhiều thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, cũng như không có website chính hãng.
Những mẫu xe này cũng hầu hết có kiểu dáng hoặc tên gọi giống hệt với nhiều mẫu xe có thương hiệu khác như: Clara S, Ware 50 cc, Cup 50 cc…
Đơn cử như mẫu xe máy điện Clara S của hãng Motor Thai có kiểu dáng giống hệt Piaggio Vespa, được bày bán tại một cửa hàng lớn trên phố Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội). Nhân viên cho biết, động cơ và linh kiện nhập từ Trung Quốc, sau đó lắp ở nhà máy tại Việt Nam.
Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, thương hiệu này không có website chính thức và thông tin cụ thể về danh mục sản phẩm, hệ thống đại lý hay dịch vụ hậu mãi, ngoại trừ một vài dòng giới thiệu chung chung trên các trang bán xe máy trực tuyến.
Tại cửa hàng này còn có một số mẫu xe máy 50cc của hãng Hyosung, được nhân viên giới thiệu là thương hiệu xe máy thuộc tập đoàn lớn của Hàn Quốc, linh kiện được nhập về nhà máy lắp ráp ở Việt Nam.
Tuy nhiên trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện nhà phân phối chính thức của Hyosung Motorcycles tại Việt Nam khẳng định, hiện mới chỉ có một showroom tại TP.HCM và Hyosung Motorcycles Hàn Quốc cũng chỉ sản xuất mô tô phân khối lớn.
Mặc dù có những điểm tương đồng về họa tiết, màu sắc logo thương hiệu của những mẫu xe máy 50cc Hyosung do đại lý nói trên phân phối vẫn có những điểm khác biệt với logo của Hyosung Motorcycles toàn cầu, ví dụ như có thêm chữ H trong logo, hay hình vẽ chiếc cánh trên logo quay về bên trái thay vì bên phải.
Khó phân biệt hàng nhái và hàng chính hãng
Trên thị trường xe máy điện, xe máy 50cc có sự xuất hiện của những thương hiệu "lạ"
Chị Lệ Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từng mua một chiếc xe máy điện với giá gần 13 triệu đồng, được cửa hàng quảng cáo là xe nhập từ Nhật Bản, chất lượng tốt. Sau hơn một năm sử dụng, xe bắt đầu xuống cấp, bong tróc sơn, ắc quy hết nhanh và khi di chuyển bị khựng, giật.
“Khi mang đến nơi, cửa hàng họ báo chi phí sửa chữa, thay ắc quy và tân trạng lại xe hết 5 triệu đồng, gần bằng nửa giá trị xe mua mới nên tôi đã quyết định để vậy dùng tiếp”, chị Thủy nói.
Anh Công Tiến, người có nhiều năm làm việc cho các doanh nghiệp xe máy điện cho biết, tại thị trường Việt Nam vẫn có những mẫu xe máy điện được các cửa hàng tự nhập về bán.
Việc bảo hành, sửa chữa theo chính sách của riêng cửa hàng đó. Nếu cửa hàng đóng cửa hoặc dừng kinh doanh, người dùng sẽ gặp khó khi cần bảo hành, sửa chữa nên khi xe bị hỏng thì có khi bỏ luôn.
“Từng có trường hợp đại lý xe máy điện bán song song cả hàng nhái và hàng chính hãng của cùng một thương hiệu. Ví dụ mẫu chính hãng giá 12 triệu đồng thì mẫu nhái nhập chỉ khoảng 5 triệu đồng, bán ra 7 triệu đồng. Người dùng không cẩn trọng khó có thể phân biệt”.
Theo anh Công Tiến, ắc quy hoặc pin là bộ phận có giá trị nhất và cần được chú trọng khi mua xe máy điện. Các mẫu xe điện trôi nổi, không rõ nguồn gốc thường không được bảo hành ắc quy, pin, hoặc nếu có thì thời gian rất ngắn. Trong khi với các hãng lớn, chi tiết này có thể được bảo hành lên tới 36 tháng.
Do vậy, người tiêu dùng nên chọn những thương hiệu lớn, có uy tín và chính sách bảo hành chung theo hãng để an tâm về công nghệ sản xuất, cũng như linh kiện và chất lượng được đảm bảo. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến giá thay linh kiện và cam kết về nguồn cung linh kiện của mẫu xe có dự định mua.
Để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ khi dùng xe điện, mới đây Bộ Công an khuyến cáo người dân lựa chọn, sử dụng xe điện bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định.
Đặc biệt, không sạc điện cho xe khi phát hiện thiết bị sạc hoặc xe gặp lỗi. Khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… cần thay mới. Đồng thời, không tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật và kết cấu của xe. Để phòng cháy, không nên sạc xe đạp và xe máy điện qua đêm…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận