Jakarta là thành phố tắc đường nhất thế giới |
Chính quyền TP Jakarta (Indonesia) vừa tạm dừng áp dụng quy định “3 trong 1” để hạn chế tình trạng lạm dụng trẻ em, lách luật gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua.
Chính sách “vô dụng”
Theo chỉ số Dừng - Đỗ Castrol-Magnatec do Công ty Castro (Anh) công bố năm 2015, Jakarta là TP tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất trên thế giới. Ước tính chính thức từ Chính phủ Indonesia, tắc đường đã gây thiệt hại 3 tỉ USD/năm cho kinh tế Jakarta.
Để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất thế giới, giới chức Jakarta đã áp dụng loạt biện pháp, trong đó có quy định “3 trong 1” để hạn chế phương tiện vào TP. Quy định này được áp dụng từ năm 2003, theo đó, chỉ có xe ô tô chở từ 3 người trở lên mới được vào các cung đường chính trong TP vào khung giờ cao điểm: Từ 7 - 10h và 16h30 - 19h00.
Giám đốc Sở CSGT TP Jakarta, AKBP Budiyanto khẳng định: “Quy định “3 trong 1” đã giảm tắc đường tại một số tuyến đường trọng điểm trong TP”, song cũng tồn tại không ít ý kiến trái chiều. Về phía người dân, anh Rizki Kurniandi, 29 tuổi cho biết: Hàng ngày, anh lái xe cùng vợ đi làm. Mặc dù anh đã tránh giờ cao điểm nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh tắc đường. Khi quy định “3 trong 1” có hiệu lực, ô tô của vợ chồng anh vẫn “lạc lối” giữa hàng ô tô chật ních. Theo anh, “chính sách này không hiệu quả”. Bên cạnh đó, rất nhiều quan chức Jakarta trong đó có Thị trưởng Jakarta, ông Basuki “Ahok” Tjahaja Purnama cũng đánh giá chính sách này vô dụng.
Thành cần câu cơm
Hơn nữa, không lâu sau khi luật có hiệu lực, xuất hiện hình thức lách luật được gọi là “jockey” - cho thuê người để xe đủ điều kiện vào TP. Hàng ngày, dọc các tuyến cửa ngõ vào TP, người ta không lạ cảnh hàng loạt phụ nữ, tay bế trẻ con, chầu chực bên đường, vẫy xe để ra giá. Cô Iin Linawati, 38 tuổi cho biết, đã hành nghề này để kiếm tiền nuôi 7 đứa con. Hầu hết họ đều đến từ những vùng quê nghèo không có việc làm nên đành phải xoay xở để mưu sinh.
Bằng việc cho thuê người ngồi trên xe để đạt chuẩn vào TP, Iin Linawati đã kiếm khoảng 200.000 rupia/ngày (gần 340.000 VND). Cô sẽ kiếm được số tiền gấp đôi nếu đưa con đi cùng. “Tôi không lạm dụng con, tôi phải đưa con đi cùng vì ở nhà không có ai trông” - tay bế con lếch thếch, Iin Linawati chia sẻ. Bế con 9 tháng tuổi, cô Dewi cũng cho biết: “Tôi đã làm việc này được 10 năm từ khi lấy chồng”. Không chỉ phụ nữ, trẻ vị thành niên cũng bỏ học đi kiếm tiền. Fadi, 15 tuổi làm “jockey” được 4 năm, kiếm 4 USD trong vài giờ và đưa mẹ một nửa. “Cháu thường làm việc này buổi chiều. Cháu không tập trung học được, không hiểu giáo viên nói gì. Cháu đi học từ năm 6 tuổi nhưng bỏ học rồi”, Fadi chia sẻ.
Thị trưởng Basuki chỉ trích: “Quy định “3 trong 1” không những không giảm thiểu ách tắc giao thông mà còn biến trẻ em thành nạn nhân bị bóc lột”. Nhiều trẻ em bị cho uống thuốc an thần để ngủ yên, tránh gây phiền hà cho lái xe và giúp cha mẹ kiếm thêm tiền.
Tháng 4 năm nay, Jakarta tạm thời bãi bỏ quy định này nhằm ngăn chặn nạn lạm dụng trẻ em. Song việc bãi bỏ quy định này cũng gây ra ý kiến trái chiều. Một số người dân chỉ trích, để trẻ em bị lạm dụng là lỗi của Chính phủ. Nếu muốn hạn chế tình trạng này thì Chính phủ phải áp dụng quy định về chống lạm dụng trẻ em để triệt tận gốc. Nếu không, dù có quy định “3 trong 1” đi chăng nữa, trẻ em vẫn sẽ bị bóc lột.
Mặt khác, có người cho rằng, dân nghèo lân cận đã sống phụ thuộc vào nghề này 13 năm nay. Bãi bỏ quy định này đồng nghĩa chặt đứt “cần câu cơm” của họ. “Tôi muốn Chính phủ mở rộng quy định “3 trong 1” - anh Muhammad Asmin, 27 tuổi bỏ học để làm “jockey” hơn chục năm nay, kiếm tiền nuôi gia đình cho biết. “Quy định này tốt cho dân nghèo chúng tôi dù nó có hiệu quả cho vấn đề tắc đường hay không”, Asmin nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận