Dự kiến quy định quản lý ô tô nhập khẩu tại Nghị định 116 sẽ sớm được sửa đổi trong đó quy định kiểm tra theo lô, yêu cầu Giấy chứng nhận kiểu loại (VTA) vốn được coi là hàng rào kỹ thuật cuối cùng để bảo vệ sản xuất trong nước sẽ được gỡ bỏ.
Ô tô nhập khẩu rộng đường về Việt Nam
Giá xe phụ thuộc chủ yếu vào các loại thuế và phí. Việc sửa quy định giúp nhập khẩu xe vào Việt Nam dễ dàng hơn, giảm được một số thủ tục, giấy tờ cũng không khiến giá xe nhập khẩu giảm xuống nhiều.
Ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ GTVT)
Tháng 8/2019 vừa qua, tại cuộc làm việc với các bộ, ngành liên quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản sửa đổi quy định của Nghị định 116 theo hướng nới lỏng kinh doanh nhập khẩu ô tô. Theo đó, các loại xe nhập khẩu sẽ quay về kiểm tra theo kiểu loại và không cần Giấy chứng nhận VTA.
Cụ thể, theo quy định hiện nay, mỗi kiểu loại ô tô khi nhập khẩu về Việt Nam đều phải đưa 1 mẫu xe mới làm thủ tục kiểm định khí thải và an toàn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) khi nhập khẩu ô tô sẽ buộc phải có Giấy chứng nhận VTA của nước xuất khẩu hoặc tổ chức có đủ thẩm quyền.
Thực tế, kể từ khi ban hành Nghị định 116, các DN có hoạt động nhập khẩu ô tô đã liên tục kêu khó, kêu vướng đối với 2 quy định nêu trên với lý do, không cần thiết và phát sinh chi phí, thời gian. Bên cạnh đó, không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng cấp Giấy chứng nhận VTA khiến hoạt động nhập khẩu ô tô bị đình trệ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về tinh thần của Nghị định sửa đổi, ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ GTVT) cho biết, trên thế giới hiện có 2 hệ thống chứng nhận gồm: Cơ quan Nhà nước chứng nhận kiểu loại và công bố. Thứ hai là DN tự chứng nhận theo tiêu chuẩn của nước sở tại, tự kiểm tra, thử nghiệm và công bố kết quả.
Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 116, ô tô nhập khẩu từ nước áp dụng phương thức “Nhà nước chứng nhận kiểu loại và công bố” thì cơ quan quản lý chất lượng tại Việt Nam sẽ đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất.
Với xe nhập khẩu từ nước áp dụng phương thức quản lý tự chứng nhận thì sẽ được tự do nhập khẩu nhưng sẽ được áp dụng biện pháp lấy mẫu trên thị trường để đánh giá chất lượng hàng năm. “Phương thức tự cho DN chứng nhận là hình thức thông dụng hiện nay. Việc DN tự chứng nhận cũng ràng buộc trách nhiệm rất cao, bởi nếu bị phát hiện sản phẩm không đúng như chứng nhận thì sẽ bị phạt rất nặng”, ông Hà cho biết.
Tuy nhiên theo ông Hà, dù chứng nhận theo phương thức nào vẫn phải thử nghiệm kiểu loại tại Việt Nam. Nếu đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam, Giấy chứng nhận VTA sẽ có giá trị sử dụng 36 tháng. Tuy nhiên, đối với phương thức tự chứng nhận, sẽ có thêm biện pháp quản lý chất lượng là lấy mẫu trên thị trường để đánh giá chất lượng hàng năm.
“Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, tần suất đánh giá để quản lý rủi ro thường là 24 tháng, theo đời xe. Vì vậy, tần suất đánh giá tối đa 36 tháng thực chất đã tạo điều kiện cho DN hơn so với thông lệ quốc tế đồng thời cũng đảm bảo bình đẳng về quản lý chất lượng đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, ông Hà cho biết.
Xe nội sẽ “chống đỡ” thế nào?
Theo Phó vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ GTVT), việc sửa đổi quy định đối với ô tô nhập khẩu sẽ giúp cho các DN giảm được hàng loạt thủ tục: “Trước đây, dù chỉ nhập lô 100 xe nhưng một nửa xuống cảng TP HCM, nửa còn lại xuống ở Hải Phòng thì vẫn phải làm 2 tờ khai hải quan khác nhau và được tính là 2 lô.
Doanh nghiệp vẫn phải mang xe từ Hải Phòng và TP HCM ra Hà Nội thử nghiệm. Nếu theo quy định mới, cơ quan đăng kiểm chỉ cần đến chứng nhận, đối chiếu xem có khớp với kiểu loại đã được chứng nhận hay không. Nếu khớp rồi thì sẽ được cấp giấy chứng nhận nhập khẩu. Tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí”.
Dù giảm thủ tục, chi phí nhưng ông Hà cho biết, sẽ khó xuất hiện tình trạng “thả phanh” nhập khẩu ô tô. “Để đảm bảo lợi nhuận, DN nhập khẩu vẫn phải tính toán sức tiêu thụ trong nước để đưa ra kế hoạch nhập khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều xe sản xuất lắp ráp trong nước đủ sức cạnh tranh cũng đang đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp.
“Ví dụ như năm 2019 xe nhập khẩu về nhiều, xe sản xuất lắp ráp cũng tăng cường sản xuất thì thị trường thừa cung. Khi đó các hãng xe lại phải giảm giá, thậm chí cắt lỗ để đẩy xe đã nhập khẩu và sản xuất đi, tiếp tục kinh doanh xe mới”, ông Hà cho hay.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay, việc sửa Nghị định 116 có tăng đôi chút lợi thế cho xe nhập về mặt thủ tục, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình nhập khẩu ô tô trong năm 2019 có thể thấy gần như hàng rào ở Nghị định 116 không còn tác dụng. Vì vậy, theo ông Hiếu, để DN sản xuất trong nước yên tâm đầu tư phát triển có thể tìm cách nào đó để tăng chi phí đầu vào của xe nhập khẩu, giảm chi phí cho xe lắp ráp rồi từ đó dùng một phần từ nguồn thu đối với xe nhập khẩu quay lại hỗ trợ cho sản xuất lắp ráp ô tô.
Giám đốc một công ty dịch vụ nhập khẩu ô tô nhận định, nếu sửa Nghị định 116 theo hướng này thì sẽ không còn bảo hộ cho xe sản xuất trong nước, rất thuận lợi cho xe nhập khẩu, đặc biệt với các loại xe có nguồn gốc ASEAN. Xe sản xuất lắp ráp trong nước vẫn phải chịu thuế nhập khẩu linh kiện sẽ khiến giá thành cao hơn xe nhập khẩu. Không cần Giấy chứng nhận VTA, để hãng xe tự thử nghiệm rồi công bố có thể xảy ra tình trạng xe sản xuất cho Việt Nam một kiểu, thay đổi một số thứ mà không cần thông báo với cơ quan quản lý các nước khác, rất khó kiểm soát.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Hà, trong bối cảnh như vậy, các DN sản xuất, lắp ráp phải tìm cách để tăng sức cạnh tranh, như cải tiến về mặt công nghệ, dây chuyền sản xuất hay tổ chức sản xuất tốt hơn… Chính phủ hiện cũng đã có Nghị định 125 hỗ trợ về thuế linh kiện. Linh kiện nào trong nước chưa sản xuất được sẽ đưa thuế nhập khẩu về 0%. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ trình Chính phủ phương án miễn thuế cho linh kiện, phụ tùng sản xuất ô tô trong nước, thậm chí cả nhập khẩu. Đây được kỳ vọng là một bước ưu đãi hơn cho DN.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận