Thông báo hỏa tốc số 349/TB-BTC vừa được phát hành, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP) trong tháng 5/2020 để Bộ Tài chính trình Chính phủ.
Theo đó, dự thảo mới cần theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả cho đối tượng được bồi thường bảo hiểm, tăng cường giám sát hậu kiểm để tránh trục lợi bảo hiểm.
Đồng thời, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phải khẩn trương thành lập các đoàn kiểm tra chuyên đề trong tháng 5/2020, chú trọng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe mô tô, xe gắn máy, thời kỳ 2018 - 2019 đối với các doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn.
Trường hợp các đoàn kiểm tra phát hiện hoặc qua công tác rà soát phát hiện doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi vi phạm hành chính, thì đề nghị lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu các bên liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới giúp người dân hiểu đúng, hiểu rõ về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia loại hình bảo hiểm này.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí vào ngày 22/5, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh cho hay dù đã triển khai 10 năm, nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn thấp, đạt khoảng 30% với xe máy (trong tổng số gần 60 triệu xe máy) so với tỷ lệ tham gia lên đến 90% đối với xe ô tô (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô).
Số liệu thống kê từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nêu, năm 2019 tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 765 tỷ đồng, số tiền đã bồi thường là 45 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu là 6%.
Đáng chú ý, Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh cũng thừa nhận thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm xe máy đúng là có vấn đề và cần sửa đổi.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, thời gian tới cần rà soát lại các quy trình đối với việc này để loại bảo hiểm này thực sự có ý nghĩa đối với người dân và xã hội. Ngay như thủ tục xin xác nhận từ công an, tôi nghĩ cũng cần rà soát lại xem có cần chỉnh sửa, bổ sung gì không. Giấy xác nhận này nên coi như một bản khai báo chứ không phải là “xin - cho”. Đối với ngành bảo hiểm, cũng cần xem xét lại các quy trình của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận