Một nhóm YouTuber tại Việt Nam đã gây sốt cộng đồng mê xe trong và ngoài nước khi tự thiết kế một chiếc Bugatti Chiron như thật và cho lăn bánh trên đường. Những chàng “Đông Ki sốt” trong ngành thiết kế ô tô đang muốn hiện thực hóa ước mơ của mình.
Vũ Đức Sang bên cạnh chiếc Bugatti Chiron nhóm Nhết TV tự chế tạo
Được trả giá 1 tỷ đồng vẫn không bán
Giữa tháng 4/2022, biết tin nhóm YouTuber “Nhết TV” (tác giả của chiếc Bugatti Chiron tự chế) đưa xe lên Hà Nội để hoàn thiện nội thất, PV Báo Giao thông đã đến tận nơi để mục sở thị chiếc xe vừa gây sốt cộng đồng mạng và được nhiều tờ báo lớn trên thế giới đưa tin.
Dù chiếc Bugatti Chiron “Made in Vietnam” đã được bình phẩm khá nhiều nhưng để thuận tiện cho quá trình hoàn thiện trước khi chính thức ra mắt công chúng, nhóm Nhết TV đã chọn một cửa hàng nội thất nằm trong ngõ sâu, trên phố Vũ Quỳnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm nơi trú ngụ. Thậm chí, họ còn bao trọn cả cửa hàng để bảo mật.
Đi theo chiếc Bugatti Chiron lên Hà Nội để thực hiện việc giám sát các công đoạn làm nội thất là Vũ Đức Sang (SN 1998 tại Quảng Yên, Quảng Ninh) cùng người chú, đều là thành viên nhóm Nhết TV.
Sang cho biết, chiếc Bugatti Chiron này có thể xem như tác phẩm được chế tạo thủ công tốt nhất từ trước tới nay của nhóm.
Trước đây, nhóm đã làm nhiều mô hình tự chế của nhiều mẫu mô tô, siêu xe nhưng chỉ từ khung sắt và bìa các tông. Nhưng chiếc Bugatti Chiron này với phần vỏ ngoài làm bằng nhựa composite và khung xe là sắt ống rất chắc chắn.
Trong quá trình gia công và chế tác chiếc Bugatti Chiron, nhóm không sử dụng cách phân phối công việc chuyên biệt cho từng thành viên.
Thay vào đó, tất cả các thành viên sẽ cùng nhau làm từng phần của chiếc xe để hỗ trợ nhau cũng như thống nhất những thay đổi trong quá trình thi công.
Theo Vũ Đức Sang, chiếc Bugatti Chiron có khung xe do nhóm tự hàn. Vỏ xe làm từ nhựa nhưng rất dày.
Do chỉ tìm hiểu được trên mạng các thông số cơ bản của xe như chiều dài, chiều rộng, trục cơ sở nên về tổng thể có thể coi như gần tương đương với xe thật.
Song các chi tiết do không có thông số chính xác nên vẫn phải làm theo cảm tính, sao cho cân đối và hợp mắt.
Chiếc Bugatti Chiron trong quá trình hoàn thiện nội thất tại Hà Nội
“Khó khăn lớn nhất khi tạo ra chiếc Bugatti Chiron này là làm khuôn nhựa. Cả nhóm phải chỉnh đi chỉnh lại mới ra chiếc xe như ngày hôm nay. Có thể khi đặt cạnh chiếc xe thật vẫn có điểm chưa giống 100% vì được làm thủ công, căn chỉnh bằng mắt, không có kiến thức đồ họa, cắt CNC, in 3D… nhưng em nghĩ nước ngoài người ta sẽ đánh giá cao về sản phẩm thủ công”, Sang nói thêm.
Quan sát có thể thấy, chiếc Bugatti Chiron của nhóm Nhết TV không dừng lại là một mô hình tĩnh mà có thể lăn bánh, di chuyển như ô tô thật.
Khác với khối động cơ đồ sộ của Bugatti Chiron phiên bản thật, tác phẩm của nhóm Nhết TV dùng máy của Toyota Corolla đời 1998 được mua lại với số tiền khoảng 15 triệu đồng.
Do đặc trưng của động cơ này là sử dụng cho xe cầu trước nên nhóm đã phải nghiên cứu và chế tạo lại để có thể đặt máy phía sau, đi cùng hệ dẫn động cầu sau. Vì lý do an toàn nên nhóm mới chỉ di chuyển ở tốc độ khoảng vài chục km, chưa có ý định thử xe ở tốc độ cao hơn.
Một số chi tiết đáng chú ý khác của chiếc xe như vành hợp kim 19 inch, hệ thống treo riêng lấy giảm xóc từ xe đầu kéo, phanh đĩa tự chế và cùm phanh được lấy từ xe máy, trợ lực lái điện…
Theo các thành viên trong nhóm, ước tính số tiền bỏ ra để làm chiếc Bugatti Chiron (chưa bao gồm hoàn thiện nội thất da) vào khoảng 600 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này lấy từ nguồn YouTube, quảng cáo.
“Từ hồi làm bằng giấy đã có nhiều người hỏi mua. Còn chiếc Bugatti Chiron này đã có người Việt hỏi mua với giá 1 tỷ đồng. Nhưng nhóm chưa muốn bán nên không ra giá.
Cả nhóm muốn giữ lại để nếu có điều kiện, có thể làm một bộ nhiều chiếc xe tương tự. Hiện tại, cả nhóm đang lên kế hoạch chế tạo thêm 2 chiếc siêu xe nữa là Ferrari LaFerrari và Pagani”, Sang cho hay.
Từ xe mô hình đến ước mơ thiết kế ô tô
Chiếc Bugatti Chiron do nhóm Nhết TV chế tạo trước khi thay đổi màu sơn sang trắng
Chia sẻ về lý do tự làm những chiếc xe mô hình, Sang cho biết, hồi đầu cũng có nhiều người không tin tưởng, bảo làm như thế này là vô bổ.
Thêm vào đó, cả nhóm cũng được gia đình ủng hộ khi theo đuổi sở thích, đam mê chế tạo xe nên cũng để ngoài tai những lời bàn tán. Đến nay, từ sở thích, đam mê chế tạo xe của cả nhóm đã được mọi người đón nhận.
Vũ Đức Sang tâm sự, sau khi hoàn thiện chiếc Bugatti Chiron, nếu có điều kiện, nhóm cũng muốn tổ chức hành trình trưng bày riêng cho chiếc xe từ Bắc vào Nam. Xe không thể chạy ngoài đường nên có thể thuê xe chuyên dụng chở. Đến mỗi địa điểm nhất định có thể hạ xuống, chụp ảnh, làm hành trình đi khắp cả nước.
Nhìn chiếc Bugatti Chiron với các chi tiết máy, hệ thống treo, hệ thống lái… rất hoàn thiện, PV bất ngờ khi Sang cho biết cả nhóm không ai có kiến thức cơ bản về ô tô.
Tất cả đều tự tìm hiểu, mày mò rồi bắt tay vào làm. Các dụng cụ của nhóm cũng có thể coi là rất thô sơ với máy cắt tay, máy hàn, máy khoan, máy hơi, bắn vít cầm tay…
Khi được hỏi tại sao không nhờ tới sự trợ giúp của những người chuyên nghiệp, Sang cho biết, cả nhóm đều muốn học hỏi, trải nghiệm, tự mình làm để có kinh nghiệm dần dần. Cái gì có thể làm được thì cũng nên học chứ không muốn nhờ vả.
Ví dụ như việc sơn cũng do nhóm tự sơn. Có thợ sơn Sài Gòn liên hệ, sẵn sàng hỗ trợ nhưng nhóm muốn tự làm. Sơn ô tô khó nên cả nhóm phải mất thời gian đi học, nghe thợ sơn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm.
Cho biết kế hoạch trong thời gian tới, Sang cho biết, để làm được những chiếc xe mô hình tiếp theo chắc chắn sẽ phải nâng cấp dần thiết bị, đồ nghề. Bên cạnh đó, cần phải học hỏi thêm kiến thức chuyên sâu: “Em cũng muốn có nơi để học thêm các kiến thức liên quan đến cơ khí, kỹ thuật ô tô.
Tuy nhiên, mơ ước của em là muốn làm về mảng thiết kế để có thể tự vẽ, thiết kế ô tô chuyên nghiệp. Mảng thiết kế ô tô trên thế giới rất được ưa chuộng.
Thứ thu hút khách hàng đầu tiên của một mẫu xe chắc chắn đầu tiên phải là thiết kế. Còn công nghệ, máy móc liên quan đến ô tô hiện nay đều đã có và rất hiện đại”.
Sang cũng cho biết, nhóm hiện tại mới chỉ dừng lại ở những bản phác thảo xe bằng tay rồi từ đó làm ra sản phẩm. Nhóm cũng mong muốn tìm được thành viên làm thiết kế để có thể dần chuyên nghiệp hơn trong việc tạo ra một chiếc ô tô.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đăng kiểm, việc tự thiết kế một chiếc xe để thỏa niềm đam mê, sáng tạo là điều nên khuyến khích.
Nếu chiếc xe đó được làm ra chỉ để trưng bày, không mang mục đích thương mại thì không có vấn đề gì. Chỉ khi mang xe ra đường hay di chuyển ngoài đường gây tai nạn thì sẽ bị xem là vi phạm pháp luật.
“Việc chế tạo ra một mẫu xe gần giống với chiếc ô tô khác đã bán trên thị trường, có thương hiệu nhưng không mang mục đích thương mại và không gắn logo thì theo Luật Sở hữu trí tuệ cũng sẽ không vi phạm gì”, vị này cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận