Theo tờ trình, 14 doanh nghiệp ô tô đề xuất gia hạn, với tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn theo tờ khai là 8.082 tỷ đồng.
Thời gian áp dụng là kỳ tính thuế các tháng 6 - 7 - 8 - 9 năm nay đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước.
Thời gian gia hạn kể từ ngày hết hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định đến hết ngày 20/11/2024.
Nếu chính sách được áp dụng, không chỉ 14 doanh nghiệp ô tô nêu đề xuất được hoãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, mà các doanh nghiệp lắp ráp ô tô khác cũng được hưởng chính sách chung.
Năm ngoái, chính sách này cũng được áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp ô tô, với số thuế giãn nộp khoảng 8.100 tỷ đồng.
Cụ thể, tháng 6/2023 là 2.155 tỷ đồng; tháng 7/2023 là 2.086 tỷ đồng; tháng 8/2023 là 1.823 tỷ đồng; tháng 9/2023 là 2.017 tỷ đồng.
Chi tiết hơn, Bộ Tài chính thống kê số thuế tiêu thụ đặc biệt hoãn nộp từ tháng 6 đến tháng 9 năm ngoái của một số hãng xe như sau: Toyota Việt Nam 1.216 tỷ đồng, Honda Việt Nam 778 tỷ đồng, Ford Việt Nam 940 tỷ đồng, Hyundai Thành Công 1.518 tỷ đồng, Thaco Kia 1.484 tỷ đồng, Thaco Mazda 1.484 tỷ đồng, VinFast 278 tỷ đồng…
Bộ Tài chính cho rằng ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đối mặt với tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm, phải điều chỉnh giảm sản lượng.
Về tình hình tiêu thụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, tháng 1/2024 là: 12.842 xe; tháng 2 và 3 lần lượt là 11.261 xe và 18.388 xe. Như vậy, sản lượng bình quân từng tháng trong 3 tháng đầu năm là 14.163 xe/tháng.
“Nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp, sẽ là không đủ để tạo ra sự ổn định trong việc duy trì sản lượng và doanh số bán hàng và sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững”, tờ trình của Bộ Tài chính nêu.
Nếu được áp dụng, chính sách này lần thứ tư được áp dụng trong 4 năm qua, hỗ trợ các nhà sản xuất lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận