Về lý thuyết, các hãng xe Mazda, Mitsubishi, Suzuki và Subaru từ lâu đã sáp nhập với các đối thủ trong và ngoài nước, nếu không sẽ khó tồn tại trong thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Theo Sergio Marchionne, ông chủ của hãng xe Ý Fiat Chrysler, bán được 6 triệu xe là yêu cầu tối thiểu để một hãng xe có lợi nhuận. Daihatsu đã nằm trong sự kiểm soát của Toyota, bán được 1 - 2 triệu xe mỗi năm.
Các hãng xe nhỏ như Daihatsu đang cố gắng hơn bao giờ hết để bác bỏ quan điểm cho rằng quy mô toàn cầu và số lượng lớn là không thể thiếu. Suzuki chỉ có một thị trường lớn bên ngoài Nhật Bản là Ấn Độ.
Nhưng cách đây không lâu, Suzuki đã rút khỏi liên minh với Volkswagen của Đức - một đối tác có thể giúp Suzuki mở rộng tại các thị trường phát triển. Mazda, một hãng xe nhỏ hơn, sẵn sàng nói lời chia tay với Ford.
Dù bắt tay với đối tác Nhật Bản từ năm 1979 nhưng hãng xe Mỹ bắt đầu giảm cổ phần trong Mazda trong năm 2008 để huy động tiền mặt và tránh bị phá sản.
Sau khi trở thành người nắm giữ cổ phần trong Fuji Heavy Industries (FHI), công ty mẹ của Subaru, Toyota điều chỉnh mức đầu tư vào FHI hiện tại từ 8,7% tăng lên 16,5% (tương đương với 311 triệu USD).
Các hãng xe Nhật nhỏ cũng đạt lợi nhuận cao hơn so với hầu hết các doanh nghiệp trong ngành. Subaru và Mazda có doanh số kỷ lục tại Bắc Mỹ. Subaru giờ vượt qua cả Volkswagen tại thị trường này.
Nhưng điều đó có thể không kéo dài khi các công ty nhỏ thiếu tiền mặt để đầu tư mạnh vào công nghệ mới. Đặc biệt, trong những năm tới, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải chặt chẽ hơn sẽ đòi hỏi chi tiêu cho nghiên cứu nhiều hơn nữa.
Thiếu vốn cũng gây khó khăn cho các hãng xe nhỏ trong nỗ lực theo đuổi công nghệ xe tự hành đang trở nên phổ biến.
Hiện nay, các hãng xe nhỏ của Nhật đang nhận được sự "hỗ trợ ngầm" của Chính phủ Nhật Bản. Trong trường hợp của Suzuki, Mitsubishi và Daihatsu, hỗ trợ này thể hiện qua các hình thức giảm thuế cho các dòng xe nhỏ "kei" (K-car).
Đây là dòng xe được phụ nữ và người già yêu thích, chiếm khoảng hai phần năm doanh số bán xe mới tại Nhật Bản. K-car có mức tiêu thụ nhiên liệu tiết kiệm đáng nể, cạnh tranh với những mẫu xe điện như Prius, nhưng mức giá chỉ bằng một nửa.
Năm ngoái, K-car chiếm tới 40% tổng số xe mới bán ra tại Nhật. Tuy thành công tại thị trường nội địa, nhưng dòng xe đặc trưng này lại đang đứng trước nguy cơ biến mất khi Chính phủ Nhật lo ngại độ phủ quá lớn của K-car có thể khiến ngành công nghiệp ô tô Nhật mất tập trung vào các dòng xe khác, vốn đang là trụ cột cho nền kinh tế nước này.
Tháng 4 vừa rồi, dựa trên tính toán, chính phủ đã nâng một loạt các khoản thuế đánh vào K-car, bao gồm thuế doanh thu, thuế nhiên liệu, trước bạ..., nâng tổng mức thuế phải đóng lên 50% giá xe, thu hẹp khoảng cách so với những dòng xe khác.
Việc thắt chặt chính sách với K-car của Chính phủ Nhật Bản còn khiến các hãng xe nhỏ có nguy cơ phá sản vì không còn đường hướng phát triển. Suzuki cho biết, xe nhỏ đang là phân khúc mang lại nhiều lợi nhuận cho Hãng, việc hạn chế K-car còn ảnh hưởng đến những hoạt động kinh doanh khác của Hãng.
Theo dự đoán của Chủ tịch Daihatsu, ông Masanori Mitsui, trong hai năm tới, lượng K-car bán ra sẽ giảm mạnh, từ 2,23 triệu xe vào năm ngoái xuống còn 1,7 triệu xe vào 2015.
Với khó khăn trước mắt, nhiều dự báo cho thấy, các hãng xe nhỏ của Nhật không sớm thì muộn sẽ phải rời khỏi "đường đua".
Theo Doanh nhân
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận