Những ngày này độ ẩm trong không khí tại các tỉnh phía Bắc lên đến 90% dẫn đến hiện tượng hơi nước bị ngưng tụ, đọng lại trên bề mặt mọi vật.
Môi trường ẩm ướt chính là điều kiện tốt cho các vi khuẩn nấm mốc, độc hại sinh sôi nảy nở. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trời nồm ẩm còn khiến cho các vật dụng nhanh hỏng hơn rất nhiều và xe ô tô cũng vậy. Dưới đây là một số bệnh thường gặp trên ô tô trong điều kiện thời tiết nồm ẩm:
Kính lái xe đổ mồ hôi
Hiện tượng dễ quan sát nhất và thường xuyên nhìn thấy là nhưng giọt nước li ti ngưng đọng trên bề mặt kính lái, thân xe, gương chiếu hậu phía ngoài… tạo thành một lớp sương mờ bao phủ.
Trong quá trình di chuyển trên đường, việc mờ kính lái và mờ gương chiếu hậu ngoài xe sẽ gây cản trở tầm nhìn lái xe và tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn.
Nội thất có mùi khó chịu
Không khí ẩm ướt bên ngoài tràn vào trong xe khiến cho khoang nội thất bị ẩm ướt, để lâu sẽ sinh mùi khó chịu. Đây cũng được xem là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc phát triển, gây ra mùi hôi trong xe và là cơ hội để dịch bệnh liên quan đến hô hấp phát triển.
Nội thất ô tô bị ẩm ướt kéo dài cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các bộ phận khác như: Ghế xe, vô-lăng, sàn, gầm xe, nhưng quan trọng nhất là động cơ và hệ thống điện. Các bộ phận này sẽ rất dễ bị ăn mòn hay hỏng hóc do hơi ẩm. Vì thế, tuổi thọ của chiếc xe ô tô cũng bị giảm sút đi rất nhiều.
Ông Nguyễn Đình Hùng, quản lý xưởng dịch vụ hãng Toyota tại Hà Nội cho biết: "Thời tiết nồm ẩm, mưa phùn kéo dài khiến nước ngưng tự đọng lại trong xe, để lâu sẽ xuất hiện mùi ẩm mốc khó chịu, ngoài ra còn ảnh hưởng xấu đến nội thất của xe như ghế da và sàn xe. Nếu không vệ sinh thường xuyên có thể gây ra tình trạng ăn mòn các chi tiết liên quan đến thân vỏ và sắt-xi (bộ phận nền tảng của một chiếc xe, được ví như bộ xương nâng đỡ và cố định các thành phần khác).
Ngoài ra, nồng độ axit và các chất ăn mòn khác cùng bụi bẩn và tro bụi công nghiệp trong nước mưa cũng sẽ làm những chi tiết trên ô tô dễ bị hỏng hóc hơn".
Thân vỏ của xe nhanh bị oxy hóa, ăn mòn
Trong mùa nồm ẩm, vỏ thân xe nhanh bị ô xy hóa, ăn mòn hơn bởi nước mưa hiện nay đã không còn sạch do ô nhiễm môi trường. Trời nồm, độ ẩm không khí cao sẽ là tác nhân thúc đẩy quá trình ô xy hóa mạnh hơn. Chính vì thế, nếu phải thường xuyên di chuyển trong thời tiết mưa phùn ẩm ướt như thế, xe hơi sẽ nhanh bị cũ và xuống cấp.
Không những thế, tình trạng ô tô bị ẩm ướt kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến các bộ phận khác như: ghế xe, cụm lái, sàn xe… và quan trọng nhất là khối động cơ, hệ thống điện. Các bộ phận này sẽ rất dễ bị ăn mòn, hay bị hỏng hóc do hơi ẩm, ảnh hưởng đến tuổi thọ của chiếc xe.
Cách chăm sóc ô tô đúng cách trong mùa nồm ẩm
Theo ông Hùng, khi thời tiết nồm ẩm mưa phùn kéo dài, chủ xe nên dành nhiều thời gian để chăm sóc bảo dưỡng xe. Đồng thời, trang bị thêm nhiều hiểu biết để sử dụng xe an toàn và bền bỉ hơn.
Đỗ xe nơi khô ráo và có mái che: Chủ xe nên chọn vị trí đỗ ở chỗ khô thoáng và thông gió. Đây là cách tốt nhất giúp xe tránh xa các chất gây ăn mòn và quá trình ô xy hóa. Nếu phải để ngoài trời, lời khuyên được đưa ra là nên sử dụng bạt phủ xe có kích thước phù hợp.
Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ: Khi xe được vệ sinh thường xuyên, quá trình ô xy hóa sẽ diễn ra chậm hơn, xe ô tô luôn trong tình trạng sạch sẽ cũng rất tốt cho sức khỏe của người sử dụng.
Xe thường xuyên được vệ sinh và hút mùi sẽ hạn chế nấm mốc và mùi hôi khó chịu. Nếu như vệ sinh xe ô tô tại nhà thì trước tiên hãy dọn dẹp lại các đồ vật để trong khoang nội thất thật gọn gàng, dùng máy hút bụi để hút hết các chất bụi bẩn bám trên các bề mặt. Tiếp đó sử dụng dung dịch chùi rửa chuyên dụng dành cho ô tô để vệ sinh.
Sau khi vệ sinh xe ô tô sạch sẽ, dùng khăn khô để lau lại toàn bộ xe và đóng cửa, bật điều hòa ở chế độ Dry hanh khô hút ẩm. Đồng thời, kích hoạt chức năng sấy kính lái để giúp bộ phận này khô ráo, sáng bóng.
Rửa xe thường xuyên: So với mùa hè, bùn đất bám trên xe vào mùa nồm ẩm mưa phùa là nhiều hơn, và lâu ngày trên xe sẽ có nồng độ các chất ăn mòn cao hơn có trong nước mưa. Việc rửa xe thường xuyên giúp xe luôn sạch và làm giảm lượng chất ăn mòn bám trên xe.
Hơn nữa, khi xe được rửa thường xuyên, điều kiện để xảy ra quá trình ô xy hóa sẽ giảm đi, hiện tượng hoen gỉ sẽ được giảm thiểu.
Bảo dưỡng hệ thống điện và lọc gió: Độ ẩm cao khiến cho hệ thống dây điện, đặc biệt là các mối nối điện trên xe nhanh bị ô-xy hóa. Vì thế, không ngạc nhiên khi xe hay bị chết máy hoặc mất điện về mùa mưa phùn. Ngoài ra, hệ thống điện cũng rất dễ bị mất điện, thậm chí cháy chập.
Để tránh hiện tượng này, tốt nhất là chủ xe nên bảo dưỡng hệ thống điện thường xuyên. Chú ý đấu nối và bọc bảo vệ dây điện và các mối nối thật cẩn thận.
Bên cạnh đó, bộ lọc gió cũng phải đặc biệt được chú ý, nhất là đối với những xe hay đi xa, hoặc đi ở môi trường có nhiều bụi bẩn. Bộ lọc gió bị ướt gây tác hại không kém khi bị bụi bẩn bám dày.
Cũng theo ông Hùng: "Người dùng cần thường xuyên đem xe đến đại lý để bảo dưỡng và làm sạch bộ lọc gió ít nhất 1 tháng/lần. Việc này giúp xe hoạt động tốt hơn và tránh những tác nhân xấu từ môi trường bên ngoài, đặc biệt trong thời tiết nồm ẩm kéo dài".
Không hạ cửa xe khi di chuyển: Quá trình di chuyển ở điều kiện nồm ẩm, nếu hạ cửa kính xe sẽ tạo điều kiện cho môi trường ẩm ướt bên ngoài ùa vào bên trong. Tốt nhất là đóng kín cửa, bật điều hòa ở chế độ Dry hoặc nhiệt độ làm lạnh phù hợp.
Đặc biệt, không để điều hòa ở chế độ nóng bởi vì hơi nước sẽ không bị bốc hơi mà ngược lại càng ngưng đọng nghiêm trọng hơn vì chênh lệch nhiệt độ.
Chủ xe cũng nên trang bị những vật dụng có tác dụng hút ẩm không khí như máy hút ẩm và máy khử mùi để đảm bảo không gian xe luôn khô ráo, thoáng mát. Ngoài ra, tùy vào sở thích cá nhân, chủ xe cũng có thể lựa chọn các đồ vật có mùi hương để đặt trong ô tô như tinh dầu, túi cà phê… hoặc quả dứa thơm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận