Ngày 8/4, chiếc xe buýt điện thông minh đầu tiên mang tên Vinbus được đưa vào vận hành tại Hà Nội
Trong khi nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng cung ứng các loại xe máy - ô tô điện ra thị trường thì câu hỏi đặt ra, quy định hành lang và hệ thống trạm sạc để các loại phương tiện này di chuyển thuận lợi, an toàn đã có gì, được chuẩn bị ra sao?
Doanh nghiệp ngóng cơ chế
Đến nay, VinFast đã nhận hàng nghìn đơn đặt hàng mẫu ô tô điện đầu tiên sản xuất ở Việt Nam, lắp đặt hàng nghìn trạm sạc xe điện và chuẩn bị giao xe cho khách hàng cuối năm nay.
Theo kế hoạch, năm 2025, VinFast sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu khu vực Đông Nam Á với công suất thiết kế lên tới 500 nghìn xe/năm, trong đó có các mẫu ô tô, xe máy điện thân thiện môi trường.
Ngoài VinFast, nhiều hãng ô tô - xe máy tại Việt Nam cũng đang nghe ngóng động thái của cơ quan chức năng để có thể tham gia vào thị trường xe máy - ô tô điện.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Văn Vệ, Trưởng khối Đối ngoại Công ty Honda VN (HVN) cho biết, HVN đã sản xuất mẫu mô tô điện PCX EV tại Việt Nam với gần 1.000 xe nhưng chưa bán trực tiếp cho khách hàng mà mới thử nghiệm, đánh giá.
Để bán đại trà cần những cơ chế chính sách, ưu đãi để hạ giá thành bởi hiện chi phí sản xuất tương đối cao, khó cạnh tranh với xe xăng.
“Đối với ô tô điện, ngoài VinFast, các hãng xe ở Việt Nam hiện chưa có kế hoạch phát triển hạ tầng xe điện mà mới chỉ dừng lại ở xe hybrid. Dù xe hybrid hay xe điện (bao gồm cả mô tô và ô tô điện), Honda đều đã sẵn sàng về công nghệ. Nếu cơ chế chính sách dành cho những mẫu xe này tốt, HVN sẵn sàng nhập về hoặc sản xuất tại Việt Nam để kinh doanh”, ông Vệ cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Kỹ thuật, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các thành viên hiệp hội rất quan tâm đến sự phát triển của xe điện tại Việt Nam. Trong đó VinFast và Mitsubishi đã có những bước đi đầu tiên. Tuy nhiên, hiện các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn xe điện vẫn chưa có.
“Hiện tiêu chuẩn xe điện mà VinFast áp dụng là tiêu chuẩn cơ sở (do DN tự xây dựng, công bố). Cái khó của VinFast là làm xe điện ở Việt Nam, nếu không có tiêu chuẩn nhà nước thì vẫn phải làm theo tiêu chuẩn xe xăng và khi đăng kiểm không biết cấp phép thế nào, chỉ có thể kiểm tra về an toàn kỹ thuật. Chính vì vậy, cần xây dựng, ban hành tiêu chuẩn nhà nước cho ô tô điện và đặc biệt là tiêu chuẩn trạm sạc”.
Về vấn đề quản lý pin thải bỏ tránh gây ảnh hưởng đến môi trường, theo ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ GTVT), hiện hầu hết các nước đều có quy định về quản lý sản phẩm thải bỏ như pin, ắc quy rất chặt chẽ. Việt Nam cũng đã có quy định về việc xử lý các sản phẩm thải bỏ nhưng hầu như chưa triển khai gì bởi chưa có chế tài.
“Trong các quy định về quản lý hiện nay chưa có chế tài cụ thể trong việc thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ. Xe điện khi phát triển mạnh cần hoàn thiện các quy định về quản lý, xử lý rác thải như pin, ắc-quy và cần có chế tài rõ ràng”, ông Hà cho biết.
Cần khuyến khích đầu tư trạm sạc
VinFast cho biết trong năm 2021 hãng sẽ lắp đặt 40 nghìn trạm sạc xe điện trong cả nước
Cho biết mô hình đầu tư, quản lý trạm sạc xe điện tại một số quốc gia, ông Hà dẫn chứng, ở Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản, trạm sạc thường đặt ở bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ. Nhật Bản còn có cả sạc không dây cho ô tô, trả tiền phí sử dụng thẻ.
“Hiện chuẩn sạc của nhiều hãng được quy định theo Liên minh châu Âu nhưng hầu hết chưa có sự đồng nhất giữa các hãng. Việt Nam cũng phải tham khảo, thí điểm để quyết định theo chuẩn sạc nào”.
Trao đổi với PV, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng, hệ thống trạm sạc cần được xây dựng như trạm xăng. Nơi nào có trạm xăng, có bãi đậu xe thì cần có trạm sạc điện. Ngoài ra, có thể khuyến khích doanh nghiệp xây trạm sạc và thu tiền bằng cách giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo TS. Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, với hạ tầng trạm sạc, nếu có chính sách ưu đãi về cấp đất, tín dụng (giảm lãi suất) dành cho các nhà đầu tư sẽ là một hướng tốt. Không chỉ riêng phát triển ô tô điện mà đối với tất cả các sản phẩm xanh nói chung tại Việt Nam, cần có cam kết, mục tiêu rõ ràng và lộ trình cụ thể để hiện thực hóa.
Ví dụ, cần đặt mục tiêu đến năm bao nhiêu, tổng lượng phát thải ra môi trường tại Việt Nam giảm thế nào? Từ đó xác định, một mặt, xe xăng - dầu phải sạch hơn, phát thải ít hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn; Đồng thời khuyến khích vận tải công cộng, sử dụng phương tiện chạy điện. Trên cơ sở đó, tính toán cụ thể sẽ cần bao nhiêu ô tô điện thay cho ô tô chạy xăng - dầu để đạt được mục tiêu.
“Bên cạnh đó cần làm rõ, với số lượng xe điện như vậy, nhu cầu về hạ tầng sẽ ra sao? chính sách thế nào để đạt được mục tiêu? Các quốc gia và vùng lãnh thổ hiện dẫn đầu về phát triển ô tô điện như Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu đều đưa ra những chính sách cụ thể để thúc đẩy sử dụng loại phương tiện này”, ông Hùng nói.
Xây dựng quy định về chuẩn sạc phù hợp với điều kiện Việt Nam
Theo đại diện Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN, sự ra đời của xe ô tô điện là xu thế tất yếu hiện nay và Việt Nam cũng không ngoài cuộc. Trong nước, các loại ô tô nói chung, ô tô điện nói riêng được kiểm soát về an toàn kỹ thuật đáp ứng quy chuẩn an toàn kỹ thuật chung của phương tiện, như QVN 09:2015/BGTVT và các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan. Ngoài ra, trên thế giới hiện nay, các hãng, các quốc gia có các quy định về chuẩn sạc khác nhau, việc tối ưu hóa pin về kích thước, khối lượng và dung lượng ngày một hoàn thiện hơn. Do đó, trong thời gian tới cần có sự nghiên cứu để xây dựng các quy định, quy chuẩn liên quan đến vấn đề này trên phương diện hài hòa theo quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.
Huy Lộc (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận