Ông Đức cho rằng, khi được giảm thuế từ 30% - 0%, giá bán lẻ ô tô phẩm nhập khẩu nguyên chiếc có thể giảm từ 23 – 25%, trong khi xe lắp ráp trong nước chỉ có thể giảm 12-15%. Ảnh minh họa |
Thị trường “down” vì người dân chờ xe rẻ
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công cho rằng năm 2017 là năm nhiều khó khăn đối với thị trường ô tô Việt Nam do nhu cầu thị trường có nhiều biến động so với giai đoạn tăng trưởng ổn định trước đó (từ năm 2013 – 2016).
Trích dẫn số liệu từ báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ông Đức cho biết, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường cả năm 2017 mới đạt 278.600 chiếc, giảm 10% so với năm 2016. Trong đó, các sản phẩm xe du lịch chiếm 62% (giảm 9,9% so với năm 2016), các dòng xe tải, xe bus chiếm gần 35% trong cơ cấu bán xe (cũng giảm hơn 10%).
Ông Đức cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng này là người dân có tâm lý chờ đợi về viễn cảnh mua xe rẻ khi thuế nhập khẩu giảm từ 2018.
Ông Đức cho biết, hiện Việt Nam đã tham gia rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó phải kể tới một số hiệp định tác động trực tiếp tới ngành ô tô như Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), các hiệp định song phương Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc. Trong đó, AFTA có những tác động rõ rệt nhất đối với ngành ô tô.
Cụ thể, với việc đưa các dòng thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc nội khối từ 30% về 0% từ 1/1/2018, khiến giá ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước bị cạnh tranh; làm cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thêm khó khăn vì công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, sản xuất ô tô mới chỉ dừng lại láp ráp (CKD) đơn giản, hoặc sản xuất các linh kiện còn ở quy mô rất nhỏ.
Đáng chú ý, một số hãng xe đã phát triển mạnh nhà máy ở Thái Lan, Indonesia đang mở rộng các sản xuất và xuất mạnh xe sang Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2017, tỷ trọng nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN đã tăng lên 62% so với dưới 50% của các năm trước. “Dự báo, năm 2018 sẽ còn tiếp tục tăng. Điều này đặt ra thách thức với doanh nghiệp ô tô trong nước phải đầu tư hơn và tiết giảm chi phí”, ông Đức nói.
Giá xe có thể giảm 25%
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước, trong đó có giảm thuế. Các quyết định hỗ trợ tại Nghị định 116, Nghị định 125 của Chính phủ, ông Lê Ngọc Đức cho rằng vẫn “chưa đủ mạnh” để tạo ưu thế đáng kể cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước mà mới chỉ thu hẹp khoảng cách về khả năng cạnh tranh.
Bộ Công thương hỗ trợ thúc đẩy nhanh dự án ô tô trong nước Theo báo cáo của Bộ Công thương tại Hội nghị tổng kết ngành sáng 15/1, Bộ Công thương đã nêu một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành trong 2018, trong đó có ngành sản xuất ô tô. Bộ Công thương cho hay, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc thấp hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký. Bộ Công thương cũng cho biết sẽ nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hoá cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước), tập trung xây dựng chuỗi cung ứng ngành ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong và ngoài nước. Hỗ trợ thúc đẩy nhanh các dự án của Thaco và Thành Công. Về dài hạn, Bộ Công thương cho biết sẽ có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia. |
Ông Đức chỉ ra, mức giảm giá bán lẻ cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp theo cơ sở từ Nghị định 125 tối đa chỉ dao động từ 12 – 15%. Trong khi đó, khi được giảm thuế từ 30% về 0%, giá bán lẻ các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc có thể giảm từ 23 – 25% so với hiện nay. Do đó, tạo ra sự chênh lệch trong cạnh tranh.
Đối với Nghị định 116, các giấy tờ thủ tục liên quan như giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, giấy chứng nhận kiểu loại ô tô, phiếu xuất xưởng hay các tài liệu đánh giá chất lượng nhà xưởng sẽ chỉ là các giải pháp ngắn hạn. Còn về dài hạn khi các quy trình phối hợp giữa nhà nhập khẩu trong nước và hãng xe nước ngoài được thống nhất, sẽ không có nhiều khó khăn đáng kể để đưa các sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam. “Xu hướng nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao”, ông Đức nhận định.
Lo lắng trước rất nhiều khó khăn nêu trên, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công đã kiến nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh, ban hành các chính sách liên quan đến thuế phí như: miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô; miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam nếu các doanh nghiệp cam kết đầu tư dài hạn, đạt sản lượng và sử dụng lao động trong nước cũng như chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, ông Lê Ngọc Đức cũng kiến nghị tăng thời gian được bảo lãnh thuế lên 8 tháng thay vì 30 ngày vì hoàn thuế phải sau 6 tháng. Theo quy định, giá vốn kê khai gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng. Trong khi giá bán ra thị trường chỉ tính thuế suất ưu đãi để tăng khả năng cạnh tranh. “Đề nghị cho phép doanh nghiệp được phát hành bảo lãnh thanh toán thuế trong trường hợp này. Doanh nghiệp sẽ chủ động được dòng tiền, triển khai đúng chính sách bảo hộ thị trường”, ông Đức đề nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận