Khó khăn lớn nhất hiện nay mà Toyota Việt Nam gặp phải vẫn là qui mô thị trường còn nhỏ dẫn đến chi phí sản xuất cao và chênh lệch nhiều so với các nước trong khu vực |
Toyota Việt Nam (TMV) là một trong những doanh nghiệp ô tô có thị phần lớn nhất Việt Nam. Nhiều mẫu xe chủ lực của hãng như Toyota Vios hay Innova vẫn đang được sản xuất, lắp ráp trong nước và luôn có doanh số hàng tháng đứng đầu phân khúc. Tuy nhiên trên thực tế, giá xe lắp ráp Toyota tại Việt Nam hiện nay vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực.
Chia sẻ với phóng viên, ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc TMV cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay mà Toyota Việt Nam gặp phải vẫn là qui mô thị trường còn nhỏ dẫn đến chi phí sản xuất cao và chênh lệch nhiều so với các nước trong khu vực, đặc biệt khi thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về Việt Nam là 0%.
Theo ông Toru Kinoshita, để giải quyết bài toán nêu trên, Chính phủ cần xây dựng các chính sách dài hạn nhằm đảm bảo sự tăng trưởng ổn định của thị trường ô tô, giữ tỉ lệ hợp lý giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Tiếp đến, có chương trình hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước để giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách giữa xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, có những chính sách phù hợp với tất cả các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, TMV cùng các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) ủng hộ ý tưởng về ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất và lắp ráp trong nước (CKD) đang được bàn thảo bởi Bộ Tài chính và Bộ Công thương. TMV rất mong muốn Chính phủ sẽ cân nhắc những hỗ trợ trực tiếp cho việc đầu tư khuôn và đồ gá để bù đắp sự thiếu hụt về dung lượng thị trường so với các nước trong khu vực. Nếu được như vậy, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn nhiều trong quyết định đẩy mạnh nội địa hóa.
Nói về nỗ lực nâng cao tỉ lệ nội địa hóa ô tô, Tổng giám đốc TMV cho biết, ngay từ những ngày đầu xây dựng nhà máy tại Việt Nam, việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa luôn là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển lâu dài. Ở thời điểm năm 1995, khi đặt chân đến Việt Nam, Toyota đã gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa do thị trường xe hơi lúc bấy giờ có quy mô rất nhỏ, chỉ khoảng vài ngàn xe mỗi năm nhưng có tới 10 nhà sản xuất với 20 nhãn hiệu khác nhau. Để giải quyết khó khăn này, TMV xác định phải tăng quy mô kinh doanh và quy mô sản xuất. Vì chỉ có kinh doanh tốt thì sản xuất mới có thể tăng được, sản xuất nhiều mới cần sản xuất lượng linh kiện phụ tùng lớn, khi đó tỉ lệ nội địa hóa sẽ tăng. Chuỗi quan hệ này cần giải quyết ở ngọn thì mới phát triển được gốc. Đến nay Toyota đã trở thành doanh nghiệp ô tô FDI có tỉ lệ nội địa hóa cao trong ngành và sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa cao hơn nữa.
Trong thời gian qua, TMV đã thuyết phục được các công ty sản xuất phụ tùng linh kiện của Nhật vào Việt Nam đầu tư. Từ năm 2004 đến nay, các nhà sản xuất này không chỉ cung cấp cho Toyota và các doanh nghiệp trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước khác với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 500 triệu đô la Mỹ (tính đến tháng 6/2018) thông qua Trung tâm xuất khẩu phụ tùng Toyota. Hiện tại, về số lượng nhà cung cấp, đã tăng lên 33 nhà cung cấp với trên 400 sản phẩm, trong đó có 5 nhà cung cấp Việt Nam. Cụ thể như đối với Toyota Vios, mẫu xe CKD chiến lược của TMV, Tổng giám đốc TMV cho biết số lượng phụ tùng trong nước đã tăng gấp 3 lần so với thế hệ cũ, từ 51 phụ tùng lên 151 phụ tùng.
Toyota Vios thế hệ mới là mẫu xe có số lượng phụ tùng trong nước tăng gấp 3 lần so với thế hệ cũ, từ 51 lên thành 151 phụ tùng |
Bên cạnh đó, Toyota đã phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng ngay tại nhà máy với quyết định đầu tư xưởng dập thân vỏ xe quy mô đầu tiên của cả nước hoạt động vào năm 2003, góp phần đưa hãng trở thành nhà sản xuất đầu tiên trong ngành hoàn thiện cả 5 công đoạn dập, hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra tại nhà máy. Đến năm 2008, TMV tiếp tục đưa vào hoạt động xưởng sản xuất khung gầm với công suất 21.000 khung xe/ năm.
Được biết đến nay, TMV cũng đã thành lập một bộ phận chuyên trách hỗ trợ các nhà cung cấp, ưu tiên cho các nhà cung cấp Việt Nam, giúp họ cải tổ năng lực quản lý sản xuất, từ đó tăng hiệu suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty Nhựa Hà Nội, một đơn vị cung cấp cho TMV từ năm 2012 là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Năm 2017, Toyota thành lập ban dự án hỗ trợ chuyển giao đầu tiên tại Nhựa Hà Nội. Sau 1 năm, Nhựa Hà Nội đã có những thay đổi cả chất và lượng nhờ áp dụng quy tắc 5S Toyota và tiêu chuẩn hóa công việc. Nhà máy ngăn nắp, sạch sẽ hơn, ý thức tuân thủ của người lao động tăng lên rõ rệt. Về hiệu quả kinh tế, thống kê 6 tháng đầu năm 2018, Nhựa Hà Nội đã cắt giảm chi phí ước tính khoảng 2,8 tỷ đồng qua cải tiến về khuôn, trung bình năng suất lao động tăng 10%. Riêng với dòng xe Vios thế hệ mới, số lượng phụ tùng cung cấp bởi nhà máy nhựa Hà Nội đã tăng từ 3 lên 29 phụ tùng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận