Chiêu hút khách mới
Khi những tính năng an toàn chủ động (ADAS) như: kiểm soát hành trình thích ứng, phanh/đỗ xe/giữ làn tự động hay công nghệ tự hành… dần trở nên bão hòa, các hãng xe bắt đầu tìm kiếm những "chiêu" mới để hút khách. Một trong số đó là trợ lý ảo ứng dụng AI.
Trợ lý ảo cung cấp nhiều thông tin và giúp người dùng sử dụng các tính năng trên ô tô mà không cần thao tác.
Tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2024 diễn ra tại Las Vegas (Mỹ) hồi đầu năm, Mercedes-Benz chính thức giới thiệu trợ lý ảo MBUX Virtual Assistant tích hợp công nghệ AI. Trợ lý ảo này có khả năng hiểu và diễn đạt một cách tự nhiên như con người, không cần phải kích hoạt thông qua khẩu lệnh "Hey Mercedes". Nó cũng có thể tự động cá nhân hóa các hoạt động thường nhật của chủ xe như xem tin tức, điều chỉnh chế độ massage...
Cũng tại CES 2024, BMW công bố tích hợp AI vào trợ lý giọng nói của hãng, có khả năng xử lý phức tạp, tương tác và trò chuyện giống con người.
Từ quý II/2024, Volkswagen sẽ tích hợp ChatGPT vào trợ lý ảo IDA trên hàng loạt mẫu xe. Trong khi đó, nhiều hãng xe cũng ký thỏa thuận hợp tác để tích hợp sẵn trợ lý Google trên sản phẩm bán ra thị trường như: Ford, Lincoln, Nissan hay Porsche.
Anh Việt Dũng, nhân sự phụ trách phát triển sản phẩm của một thương hiệu xe sang tại Việt Nam cho biết, các trợ lý ảo tích hợp AI trên ô tô đều có khả năng hỗ trợ người lái thông qua giao tiếp bằng giọng nói.
Thay vì phải dùng một câu lệnh để hệ thống nhận diện và kích hoạt tính năng như trước kia, các trợ lý ảo hiện nay có khả năng hiểu yêu cầu từ người lái bằng nhiều cách diễn đạt.
Ví dụ, để chỉnh điều hòa mát hơn, có thể nói "Tôi thấy trong xe nóng quá" hay "Cho điều hòa lạnh hơn nhé". Hoặc nếu hỏi về thời tiết, những câu như "Hôm nay có nóng không", "Trời hôm nay có mưa không", hay "Tôi có cần mang theo ô không"… đều có thể được giải đáp.
Công nghệ AI ứng dụng trên ô tô còn hỗ trợ các tiện ích như nghe nhạc, đọc tin, lên lịch trình, dẫn đường... thông qua điều khiển bằng giọng nói.
Cùng đó là khả năng cá nhân hóa nhờ việc tạo ra hệ thống dữ liệu lớn dựa trên các dữ liệu hàng ngày của khách hàng. Từ đó có thể đưa ra những gợi ý phù hợp với yêu cầu và sở thích riêng của từng người.
Rào cản ngôn ngữ
Được xem như công cụ hỗ trợ đắc lực, song không phải trợ lý ảo nào cũng có thể đáp ứng đa dạng các yêu cầu từ người dùng ô tô.
Theo anh Việt Dũng, các trợ lý ảo do bên thứ ba phát triển và có thể sử dụng trên mọi loại xe thông qua kết nối Apple CarPlay, Android Auto, hoặc dưới dạng ứng dụng cài đặt trên màn hình Android, sẽ không thể điều khiển các tính năng liên quan đến phần cứng của ô tô như chỉnh điều hòa, đóng/mở cốp xe hay nâng/hạ cửa sổ...
Những tính năng kể trên đòi hỏi hãng xe phải tự phát triển trợ lý ảo riêng, hoặc có thỏa thuận hợp tác với các bên thứ ba mới có thể tích hợp sâu vào hệ thống. Hạn chế của những trợ lý ảo "chính hãng" này là chưa được Việt hóa và cần dùng tiếng Anh hoặc một số ngôn ngữ nước ngoài khác để giao tiếp, ra lệnh.
"Đứng ở góc độ nhà sản xuất, quy mô thị trường ô tô Việt Nam chưa đủ lớn để đầu tư phát triển trợ lý ảo có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Đa số các hãng dừng ở mức Việt hóa giao diện hệ điều hành của xe", anh Dũng nói.
Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt
Tuy nhiên, rào cản về ngôn ngữ và sự thấu hiểu người dùng bản địa lại chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Từ năm 2020 đến nay, một số trợ lý ảo "made in Vietnam" đã được giới thiệu và bước đầu thành công.
Tháng 12/2020, trợ lý ảo Kiki do Zalo AI phát triển được giới thiệu, giúp người dùng ô tô thực hiện tác vụ thông qua việc điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt, với thế mạnh là khả năng xử lý tiếng Việt, nghe hiểu tốt giọng nói địa phương, hiểu thói quen và văn hóa giao tiếp bản địa. Tính đến hết năm 2022, Kiki đạt tổng cộng 300.000 lượt cài đặt sử dụng, với hơn 150.000 lượt truy vấn/ngày.
Tháng 5/2023, Gotech ra mắt trợ lý ảo GotechGPT kết hợp giữa trợ lý Gotech Assistant và công nghệ AI của ChatGPT, được trang bị sẵn trên các loại màn hình ô tô của hãng. Ưu điểm nổi bật của GotechGPT là khả năng tương tác, trò chuyện qua lại hai chiều với tài xế như con người.
Với các hãng xe tại Việt Nam, VinFast hiện là cái tên duy nhất có trợ lý ảo tiếng Việt dành riêng cho các dòng ô tô của hãng với tên gọi ViVi. Thậm chí, mẫu VinFast VF 8 Lux ra mắt ngày 15/7 vừa qua cũng là mẫu ô tô thương mại đầu tiên trên thế giới có trợ lý ảo tích hợp công nghệ AI tạo sinh (Generative AI).
So với phiên bản 1.0 ra mắt năm 2021, trợ lý ảo ViVi 2.0 tương tác tự nhiên và liền mạch hơn, có kho tri thức đa dạng và tính cá nhân hóa tốt hơn.
Trợ lý ảo này có thể hiểu và tương tác theo một đoạn hội thoại cùng ngữ cảnh gồm nhiều câu hỏi khác nhau; tra cứu thông tin về xe; so sánh các dòng xe; tư vấn mua xe theo nhu cầu; cung cấp thông tin thuộc nhiều chủ đề như địa lý, lịch sử, phim ảnh, cung hoàng đạo, tư vấn thực đơn và công thức nấu ăn...
Một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho biết, phần lớn người dùng ô tô tại Việt Nam chưa tận dụng hết sự tiện lợi từ trợ lý ảo, do đây là công nghệ mới xuất hiện. Số đông vẫn quen với việc tự mình điều chỉnh tính năng trên xe. Nhưng với khả năng hỗ trợ tiếng Việt ngày một tốt hơn, trợ lý ảo hoàn toàn có thể thay đổi thói quen sử dụng ô tô trong tương lai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận