• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
360° xe

Chiếc "Jeep lùn" đưa tổng thống Việt Nam Cộng hòa đi tuyên bố đầu hàng

30/04/2021, 09:30

Chiếc xe Jeep mang biển số 15770 đã đưa Tổng thống Việt Nam Cộng hòa từ Dinh Độc Lập sang đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Chiếc xe Jeep được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam

11h30 ngày 30/4/1975, chiếc xe Jeep mang biển số 15770 đã đưa Tổng thống Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) từ Dinh Độc Lập sang Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiếc xe là “nhân chứng” của thời khắc chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước.

“Nhân chứng” của thời khắc lịch sử

Ngày 30/4/1975, sau khi cánh cổng Dinh Độc Lập bị húc đổ, Đại úy Phạm Xuân Thệ (sau trở thành Trung tướng), Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 đã tiến vào sảnh Dinh trên một chiếc xe Jeep.

Cũng chính chiếc xe Jeep này đã cùng Đại úy Phạm Xuân Thệ đưa Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu sang Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đặt dấu chấm hết cho chế độ VNCH.

Theo hình ảnh tư liệu hiếm hoi, chiếc Jeep kể trên là loại Jeep “lùn”, kiểu M151 A2.

Theo nhiều tài liệu, dòng xe Jeep M151 được phát triển theo các thông số kỹ thuật và hướng dẫn của Bộ Chỉ huy ô tô xe tăng vũ khí của Quân đội Hoa Kỳ. Phụ trách việc phát triển và sản xuất đầu tiên là hãng Ford, từ năm 1951. Sau đó vài năm, Jeep “lùn” được giao cho hai hãng xe hơi khác của Mỹ là Kaiser Jeep và AM General. Riêng kiểu xe M151 A2 được giới thiệu từ năm 1968.

Trên phiên bản Jeep M151 A2 đã có một số cải tiến hệ thống treo so với M151 A1 để tăng độ an toàn khi vào cua nhanh. Thêm vào đó, các nâng cấp nhỏ có thể kể tới như đèn xi-nhan với kích thước lớn hơn, gắn trên chắn bùn thiết kế lõm xuống, khác với đèn xi-nhan nhỏ gắn trên chắn bùn phẳng như trên kiểu A1.

Cũng theo các tài liệu, loại xe này sử dụng động cơ 4 xy-lanh dung tích 2.320cc, công suất 72 mã lực. Xe sử dụng hộp số 4 cấp và hệ dẫn động 4 bánh chủ động.

Sau thời khắc lịch sử nói trên, chiếc xe Jeep “lùn” này tiếp tục được sử dụng cho đến khi hỏng, phải vào xưởng của Phòng Kỹ thuật thuộc Sư đoàn 304 rồi lên tận Cục Kỹ thuật (Quân đoàn 2) và bị lưu lạc.

Trong những ngày cuối tháng 4, để tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình lưu lạc rồi được tìm thấy để đưa về trưng bày tại bảo tàng, PV Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện thú vị với Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (nay là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam).

Đối với Thiếu tướng Lê Mã Lương, chiếc xe Jeep là một trong những hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa lẫn khoa học rất cao. Vì vậy, ông quyết tâm tìm và đưa được chiếc xe về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Quá trình tìm kiếm, hồi sinh chiếc Jeep “lùn” lịch sử

Chiếc xe chỉ sĩ quan mới được sử dụng ghi trên nắp ca-pô được sơn dòng chữ “For Offical Use Only Ford Driving Over Rough Ground” (Tạm dịch: Chỉ sử dụng cho sĩ quan, để lái xe trên địa hình gồ ghề)

Thiếu tướng Lê Mã Lương kể, từ năm 2002 - 2005, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã làm việc với Trung tướng Phạm Xuân Thệ và nhóm trợ lý để tìm hiểu thông tin về chiếc xe Jeep này.

Thế nhưng đến Trung tướng Thệ cũng không biết chiếc xe đã lưu lạc ở đâu. Rất may sau đó, một trợ lý kỹ thuật của Sư đoàn 304 nhớ ra số khung vẫn còn lưu lại trong sổ lưu (danh mục phương tiện vật chất) của Trung đoàn 66. Còn biển số xe từ hình ảnh chụp lại hồi đó được cung cấp, qua quá trình xác minh cũng đã rõ là 15770.

“Từ phát hiện quan trọng này, Bảo tàng phối hợp với Phòng Kỹ thuật Sư đoàn 304 và Quân đoàn 2 để tìm kiếm. Sau một thời gian, tại bãi xe của Tổng cục Kỹ thuật, là nơi lưu giữ một số xe Jeep chiến lợi phẩm mà ta thu được từ năm 1975, chúng tôi đã phát hiện ra một chiếc xe có số khung sườn giống với chiếc Jeep đang tìm kiếm, biển số xộc xệch nhưng vẫn còn gắn trên xe là 15770. Chiếc xe khi đó đã rất xuống cấp, trơ khung, máy móc không còn nguyên bản… Từ những dữ liệu quan trọng này, tôi đã xin Quân đoàn 2 tiếp nhận chiếc Jeep đó, đưa về phục chế theo nguyên gốc”, vị Thiếu tướng kể.

Do chiếc xe đã xuống cấp rất nhiều nên quá trình phục chế nguyên bản cũng rất vất vả, phải nghiên cứu, thay thế các bộ phận không đúng nguyên bản, phục dựng các chi tiết cho đúng chủng loại, hình dáng, màu sắc của chiếc xe Jeep mà ông Phạm Xuân Thệ đã sử dụng ngày 30/4/1975.

Từ những tài liệu và trí nhớ của tướng Thệ, chiếc xe đã được phục chế từ bánh, bạt che rồi máy liên lạc RC25 loại 2W gắn trên xe… Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết, rất may khi phục chế, phụ tùng, linh kiện cũng có sẵn, lấy từ những chiếc xe cùng thời ở bãi xe Tổng cục Kỹ thuật rồi lắp đặt sang, sao cho đúng với nguyên bản gốc. Thậm chí, khi phục chế xong, máy xe có thể nổ và chạy được bình thường.

Để đảm bảo hình dáng, trang bị của chiếc xe giống với nguyên gốc, Thiếu tướng Lê Mã Lương còn mời những nhân chứng liên quan đến chiếc Jeep tới để xác nhận số khung, biển số, các chi tiết trên xe đã được phục chế. Nếu chưa thì phải làm lại sao cho giống nhất. Cho đến khi mọi người đều xác nhận và ký vào biên bản.

Sau khi công việc phục chế được hoàn tất trong khoảng 6 năm, đến tháng 3/2008, chiếc Jeep này đã được mang ra trưng bày tại phòng Chiến Thắng của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ngày chiếc xe được trưng bày, Thiếu tướng Lê Mã Lương đã mời Trung tướng Phạm Xuân Thệ cùng các nhân chứng liên quan đến chiếc xe ngày ấy đến chứng kiến.

“Dựa vào số khung và biển số, có thể khẳng định chiếc xe trưng bày chính là chiếc Jeep năm xưa. Để tạo ra được sự thống nhất hoàn toàn thì nó vẫn còn là một câu chuyện. Nhưng trước hết, bằng tâm huyết của cán bộ Bảo tàng, đã phối hợp với các nhân chứng lịch sử để tìm ra và phục chế được chiếc xe”, Thiếu tướng Lê Mã Lương nói.

Ngày 17/4/2021, phóng viên chứng kiến chiếc xe Jeep đặc biệt đang được trưng bày trang trọng tại phòng Chiến Thắng (Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam), cùng với chiếc xe tăng T-54B mang số hiệu 843 đã húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975.

Nguồn gốc của chiếc xe cũng được ghi rõ: “Xe Jeep số 15770 của Lữ đoàn ngụy Sài Gòn do Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 thu tại sân bay Đà Nẵng ngày 29/3/1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 cùng đồng đội sử dụng chiếc xe này tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 và đưa Đại tướng, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)”.

Theo quan sát, do bảo quản tốt nên lớp sơn bên ngoài xe vẫn rất bóng, dù vẫn có một số chỗ hoen gỉ. Nhưng có thể, những chỗ hoen gỉ này cũng đã nằm trong chủ ý khi được phục chế để làm sao giống nguyên bản nhất.

Những chi tiết nhỏ cũng được phục chế lại như hai bên hông xe trang bị xẻng và xà beng, khoang sau có hệ thống liên lạc 2WW với ăng-ten dài, trần và đuôi xe được che phủ bằng vải bạt.

Chiếc xe đặc biệt này hiện đang được lưu giữ đặc biệt, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ và du khách quốc tế về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cũng như thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Khi được hỏi về việc một số hoài nghi cho rằng, chiếc xe Jeep được phục chế chỉ là cùng kiểu với chiếc Jeep lịch sử được phục chế, không phải chiếc xe gốc, Thiếu tướng Lê Mã Lương nói: “Đối với người làm bảo tàng hay làm lịch sử, khi mà sự việc đã kết luận rồi mà vẫn còn những tranh luận trái chiều thì cũng là điều bình thường. Cái quan trọng nhất là những người có liên quan đến sự kiện lịch sử, đến những điều mà mình phải tìm hiểu nó, cách tiếp cận để làm sao đưa nó về chân giá trị một cách khách quan”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.