Bộ Tài chính vận hành cơ sở dữ liệu bảo hiểm
Ngày 1/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2023 hướng dẫn thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.
Trong Nghị định này, lần đầu tiên chính phủ dành hẳn 5 điều (từ Điều 6 đến Điều 10) quy định về cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm.
Trong đó đơn vị xây dựng và quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu này là Bộ Tài chính, thông qua một cổng thông tin do Bộ này vận hành.
Dữ liệu bảo hiểm phương tiện sẽ được thu thập và vận hành tại cổng thông tin Bộ Tài chính.
Bảo hiểm xe cơ giới là một nghiệp vụ thuộc lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, các loại thông tin được thu thập bao gồm số lượng hợp đồng bảo hiểm, tổng số tiền bảo hiểm, số lượng hồ sơ bồi thường bảo hiểm, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm (chi tiết theo đối tượng bảo hiểm; chủng loại và mục đích sử dụng) và các thông tin khác có liên quan phục vụ xây dựng các tỷ lệ rủi ro bảo hiểm.
Tần suất cập nhật dữ liệu này là 10 ngày, kể từ thời điểm phát sinh dữ liệu bảo hiểm.
Về sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 46/2023 quy định:
Bộ Tài chính sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm phục vụ các hoạt động quản lý Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.
Các cơ quan quản lý Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ sử dụng thông tin phục vụ công tác quản lý Nhà nước theo thẩm quyền;
Các cơ quan, tổ chức và cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình; thông tin cá nhân của người khác nếu được người đó đồng ý theo quy định của pháp luật.
Thông tin, số liệu thống kê chung về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và thị trường bảo hiểm do Bộ Tài chính công khai trong từng thời kỳ.
Thống kê lịch sử TNGT của người và phương tiện
Theo luật sư, chuyên gia bảo hiểm Đỗ Hồng Sơn (Công ty CP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam - VICS), chiến lược phát triển ngành bảo hiểm đến năm 2030 mà Chính phủ ban hành (Quyết định 07/QĐ-TTg) có điểm đáng lưu ý khi lần đầu tiên đề cập “xây dựng khung thể chế thử nghiệm cho các dịch vụ công nghệ bảo hiểm (InsurTech) theo thông lệ tốt nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các dịch vụ bảo hiểm số mới”.
Người sử dụng phương tiện mua bảo hiểm và số lần bồi thường bảo hiểm TNGT cũng là loại dữ liệu được thống kê.
Cụ thể, tại điểm c Điều 7 Quyết định của Thủ tướng yêu cầu: "Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp bảo hiểm nhằm phòng chống gian lận, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ và tư vấn pháp lý đồng thời chia sẻ dữ liệu này với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và dữ liệu quốc gia".
Theo ông Sơn, công nghệ mới sẽ giúp việc chia sẻ dữ liệu trong ngành bảo hiểm thuận tiện hơn, chỉ nói riêng dữ liệu của mảng bảo hiểm xe cơ giới, hiện nay đang nằm phân tán ở các doanh nghiệp, khiến việc xây dựng lịch sử tổn thất của phương tiện chưa khả thi.
Trong khi trên thế giới, lịch sử tai nạn giao thông của người lái và phương tiện là căn cứ quan trọng để tính phí bảo hiểm cho năm kế tiếp, thậm chí người lái xe từng bị cảnh sát phạt nhiều lần sẽ khó mua bảo hiểm, hoặc mức phí sẽ rất cao.
Cơ sở dữ liệu chung giúp tra cứu thông tin liên quan đến tổn thất xe cơ giới để áp dụng chính sách chào phí bảo hiểm phù hợp, đảm bảo công bằng giữa các khách hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận