Vụ đất vùi lấp xe tải khiến Bảo Việt bị khách hàng kiện đòi bồi thường 845 triệu đồng. Ảnh: Nam Dương
Thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều các vụ chủ xe cơ giới kiện công ty bảo hiểm. Điều này chứng tỏ quy trình giao kết hợp đồng, cách thức áp dụng các quy định để bồi thường hay việc giám định bồi thường bảo hiểm đang bộc lộ những bất cập, kẽ hở cần phải bổ sung, sửa đổi.
Doanh nghiệp bảo hiểm liên tiếp hầu toà
Ngày 23/6/2021, TAND quận Ba Đình đưa ra xét xử sơ thẩm vụ khách hàng Bùi Thị Lương (chủ xe tải nhẹ Kia Frontier BKS 29H-202.32) khởi kiện Công ty Bảo hiểm Bưu điện (Bảo hiểm PTI) đòi bồi thường 19 triệu đồng.
Nguyên nhân bởi trước đó Bảo hiểm PTI đã viện dẫn quy tắc bảo hiểm “xe đi vào đường cấm, khu vực cấm…” dẫn đến tai nạn, làm hư hỏng xe để từ chối bồi thường cho khách hàng.
Mặc dù yêu cầu đòi bồi thường không được tòa án chấp nhận nhưng phía nguyên đơn cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo, theo kiện đến cùng để đòi lại sự công bằng. Lý do nguyên đơn chưa “tâm phục, khẩu phục” bởi trong hợp đồng bảo hiểm không đính kèm quy tắc loại trừ bảo hiểm.
Hy vọng trong Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi lần này, sẽ bổ sung quy định về hình thức giải quyết tranh chấp, trọng tài bảo hiểm, tiêu chuẩn trọng tài viên bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của trọng tài bảo hiểm, phán quyết trọng tài bảo hiểm…, từ đó góp phần nâng cao ý nghĩa nhân văn thực sự của các hình thức bảo hiểm.
Luật sư Lưu Vũ Anh
Theo một số chuyên gia bảo hiểm, về nguyên tắc, các cơ quan tư pháp cần căn cứ vào hợp đồng đã được hai bên giao kết làm căn cứ phân xử.
Trong vụ việc này, khi hợp đồng không đính kèm quy tắc loại trừ bảo hiểm thì coi như không có điểm loại trừ.
Trước đó, ngày 23/12/2020, TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tuyên thắng kiện cho nguyên đơn là Công ty TNHH Phương Gái (Quỳ Hợp, Nghệ An) với bị đơn là Bảo hiểm Bảo Việt, buộc Bảo Việt phải bồi thường cho Công ty Phương Gái số tiền bảo hiểm thiệt hại xe đầu kéo BKS 37C-144.13 là 189 triệu đồng.
Lý do, chủ xe mua bảo hiểm đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng chỉ được cấp một tờ giấy chứng nhận bảo hiểm, trên tờ giấy này không ghi rõ quy tắc bảo hiểm nào.
Một vụ kiện khác cũng liên quan đến Bảo Việt khi TAND quận Hoàn Kiếm ngày 29/9/2020 đưa ra xét xử và buộc Bảo Việt phải bồi thường cho Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Nam Dương số tiền bảo hiểm 845 triệu đồng đối với thiệt hại xe ô tô tải BKS 29C-795.41 bị đất đá vùi lấp gây tổn thất toàn bộ xe tải chở đất, lái xe thiệt mạng trong cabin.
Lý do Bảo Việt từ chối bồi thường khi căn cứ vào Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT và cho rằng “xe mất hiệu lực đăng kiểm do cơi nới thành thùng khi tham gia giao thông, rơi vào điểm loại trừ bảo hiểm”.
Tuy nhiên, TAND quận Hoàn Kiếm cho rằng, Thông tư 70 có đối tượng là các trạm đăng kiểm, không áp dụng cho các chủ xe. Vì thế việc viện dẫn thông tư này để từ chối bồi thường bảo hiểm là không thuyết phục.
“Trong quá trình hỗ trợ xử lý bồi thường cho khách hàng, tôi nhận thấy, điều đầu tiên mà công ty bảo hiểm thực hiện là kiểm tra xem xe của khách hàng có thay đổi thông số lốp hay không. Nếu thấy thông số khác so với sổ đăng kiểm thì hãng bảo hiểm nhanh chóng đưa ra quyết định từ chối bồi thường, cho dù nguyên nhân gây thiệt hại, tai nạn có thể không liên quan đến lốp xe, trong khi yếu tố này chưa đủ căn cứ pháp lý để áp dụng. Đây là một trong những lý do gây bức xúc nhất cho khách hàng”, một chuyên gia bảo hiểm cho biết.
Cơ chế giải quyết tranh chấp mới sẽ ra sao?
Vụ va chạm với biển báo hiệu giao thông khiến Bảo hiểm PTI bị khách hàng kiện đòi bồi thường 19 triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Hảo
Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Giám đốc Công ty Dịch vụ bảo hiểm InFair), có một số điểm chung của các vụ tranh chấp bảo hiểm xe cơ giới dẫn đến việc các chủ xe ô tô quyết định khởi kiện hãng bảo hiểm.
Thứ nhất, khách hàng (chủ xe) không được nhận, giải thích rõ về quy tắc bảo hiểm, thậm chí không được nhận hợp đồng bảo hiểm bằng văn bản.
Điều này vi phạm Điều 13, 14 và 16 của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong đó “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm”. Đây là các điểm chính trong hàng loạt vụ khởi kiện, cho thấy quy trình giao kết hợp đồng bảo hiểm đang có lỗ hổng nghiêm trọng.
Thứ hai, có nhiều điểm loại trừ bảo hiểm thiếu căn cứ. Chẳng hạn như vụ xe ô tô tải BKS 29C-795.41 (của Công ty Nam Dương) bị đất đá vùi lấp, cơ quan công an và tòa án khẳng định xe không tham gia giao thông tại thời điểm đó, nên việc loại trừ bảo hiểm là sai.
Thứ ba, thời gian giải quyết vụ việc kéo dài, có vụ tới 2 - 3 năm, khiến các bên đương sự đều vô cùng mệt mỏi, bức xúc. Như vụ việc của chủ xe Bùi Thị Lương va quệt vào biển báo hiệu đường bộ diễn ra từ tháng 11/2019 nhưng các bên vẫn theo đuổi vụ kiện đòi bồi thường số tiền 19 triệu đồng, kéo dài gần 2 năm trời.
Ông Đỗ Hồng Sơn (Công ty CP Dịch vụ tư vấn bảo hiểm Việt Nam) cho biết: “Kinh nghiệm ở các nước phát triển, cảnh sát hoặc tòa án chỉ vào cuộc khi các vụ tranh chấp bảo hiểm có dấu hiệu của hành vi “trục lợi bảo hiểm”, tức là có yếu tố hình sự. Trong các tranh chấp dân sự với mục đích đòi bồi thường bằng tiền, cơ chế phán quyết bằng trọng tài bảo hiểm là giải pháp được áp dụng.
“Việc trục lợi bảo hiểm chỉ diễn ra sau khi hãng bảo hiểm đã chi trả bồi thường, nhưng có nghi vấn bên mua bảo hiểm trục lợi, còn khi hai bên tranh chấp chưa ngã ngũ thì việc trục lợi bảo hiểm chưa diễn ra”, ông Sơn phân tích.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Lưu Vũ Anh, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho biết, những năm gần đây, số vụ kiện DN bảo hiểm tăng lên và có thể tiếp tục tăng mạnh nếu như hành lang pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp bảo hiểm chưa được bổ sung hoàn thiện.
Theo luật sư Lưu Vũ Anh, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi, bổ sung) dự kiến sẽ trình Quốc hội vào đầu năm tới, có điểm mới đáng chú ý là cơ chế trọng tài bảo hiểm - là một tổ chức sẽ đứng ra làm trọng tài, phân xử tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nếu các bên không muốn đưa vụ việc ra tòa án.
Bằng cách xem xét và ra phán quyết trọng tài bảo hiểm trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 1-2 tháng, giúp cả DN bảo hiểm lẫn khách hàng đỡ mệt mỏi khi “đâm lao phải theo lao” ở các vụ tranh tụng kéo dài ở tòa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận