Thông tin từ Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5, Phòng 6, Cục CSGT (Bộ Công an), từ 0h ngày 1/4 đến 12h ngày 4/4 trên tuyến Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã xảy ra 12 trường hợp sự cố vỡ lốp xe.
Đơn vị CSGT cho biết, thực tế ghi nhận tại hiện trường, các vụ việc ô tô bị vỡ lốp xe bao gồm nhiều chủng loại, từ xe con cho đến xe khách, xe container, xe đầu kéo...
Theo đánh giá bước đầu của Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5, nguyên nhân do thời tiết tại khu vực tỉnh Quảng Trị nắng nóng gay gắt, dẫn tới nhiệt độ mặt đường cũng tăng cao, có thời điểm nhiệt độ tới 63 độ C (ghi nhận vào trưa ngày 1/4).
Thực tế, từ Km0 đến Km102 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn chưa có điểm dừng nghỉ, nên lốp xe ô tô chịu áp suất và nhiệt độ cao trong vài giờ liền, gia tăng rủi ro.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, thực tế mức nhiệt 63 độ C của mặt đường chắc chắn không phải quá cao và chưa thể vượt quá giới hạn cho phép của nhà sản xuất lốp.
"Trong nhiều lần thử nghiệm về lốp tôi đã đo nhiệt độ mặt đường lên tới hơn 70 độ C nhưng không phát hiện bất cứ vấn đề gì. Câu chuyện ở đây có lẽ chỉ là chất lượng và tuổi lốp xe. Thông thường lốp xe có tuổi sử dụng khoảng 4 năm. Nếu dùng lốp quá tuổi thì dù số km đi rất ít nhưng chiếc lốp đó cũng đã bị xuống cấp. Vì thế để kết luận có phải nổ lốp xe do nhiệt độ mặt đường hay không thì cần có thống kê về độ tuổi và chất lượng của lốp xe", PGS.TS Phúc cho biết.
Tương tự theo PGS.TS Nguyễn Thành Công (Khoa Cơ khí ô tô, Đại học GTVT) - người đã có nhiều năm nghiên cứu về lốp ô tô cho rằng, nhiệt độ cao của mặt đường chỉ là một trong các nguyên nhân gây nổ lốp.
Thông thường lốp mới sử dụng (dưới 5 vạn kilomet, dưới 4 năm) với điều kiện sử dụng bình thường thì nhiệt độ hơn 60 độ C không thể làm nổ lốp.
Tuy nhiên nếu lốp quá cũ thì nhiệt độ mặt đường chỉ gần 45 - 50 độ C đã có thể gây nổ lốp.
Còn theo chuyên gia lái xe an toàn Nguyễn Hồng Vinh, nhiệt độ mặt đường có gây nổ lốp hay không còn liên quan đến dải tốc độ vận hành, mức độ rà phanh và ôm cua.
Nếu lái xe ôm cua và phanh liên tục, áp suất sẽ tăng lên ở các lốp, nguy cơ nổ lốp cao hơn so với xe chạy bình thường ở tốc độ ổn định.
Theo ông Hồng Vinh, ở dải tốc độ dưới 80km/h và mặt đường phẳng không nhiều góc cua, nhiệt độ mặt đường dù 50 - 60 độ C cũng ít nguy cơ nổ lốp.
Tư vấn các biện pháp xử lý khi nổ lốp, PGS.TS Nguyễn Thành Công (Đại học GTVT) khuyến cáo:
Đầu tiên người điều khiển xe phải bình tĩnh giữ vững vành lái. Tuyệt đối không đạp phanh hoặc đánh tay lái về ngược lại với phía xe bị nghiêng, khiến tình trạng mất cân bằng của xe sẽ tăng lên.
Hiện nay đa số ô tô hiện đại đều được trang bị hệ thống phân phối lực phanh điện tử, hệ thống cân bằng điện tử hay các giải pháp như thiết bị an toàn khẩn cấp khi xe nổ lốp TESD… nên khi tình trạng nổ lốp xảy ra, những hệ thống này sẽ can thiệp và đảm bảo an toàn cho xe.
Khi kiểm soát được tốc độ, người lái hãy nhanh chóng di chuyển xe vào khu vực an toàn và dừng xe lại để kiểm tra. Nếu có lốp dự phòng và dụng cụ thay lốp thì có thể tiến hành thay lốp ngay hoặc gọi cứu hộ để đưa xe về gara tiến hành sửa chữa.
Ngày 4/4, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5, Phòng 6, Cục CSGT (Bộ Công an) công bố số điện thoại khẩn cấp của Trung tâm chỉ huy (0949.05.06.08), để người dân lưu thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn gọi đến nếu gặp sự cố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận