Từ đầu năm, sản lượng ô tô lắp ráp đạt 109.300 xe, số bán ra chỉ gần 97.000 xe. Tuy nhiên, nhiều mẫu xe thường xuyên trong tình trạng khan hàng khiến đại lý nhân cơ hội tăng giá, ép mua phụ kiện.
Từ đầu năm đến nay, nhiều mẫu xe thường xuyên trong tình trạng khan hàng khiến đại lý nhân cơ hội tăng giá, ép mua phụ kiện. Ảnh: Thanh Tùng
Nhu cầu tăng bất thường
Chính phủ đã cho phép giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu. Sau khi có hiệu lực, chính sách này lập tức thúc đẩy nhu cầu mua ô tô của người dân.
Việc ô tô khi nào hết khan hàng rất khó đoán định bởi nó phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện vốn đang khó lường. Có thể sang đến tháng 6 sẽ hết tình trạng khan hàng bởi khi đó không còn giảm 50% lệ phí trước bạ nên nhu cầu mua xe sẽ hạ nhiệt. Khi nhu cầu ít mà nguồn cung vẫn giữ được như hiện nay thì khan hàng có thể sẽ không còn nữa.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban
Kỹ thuật VAMA
Theo thống kê trong 3 tháng đầu năm, lượng ô tô bán ra tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng xe lắp ráp trong nước tăng trưởng 31% (96.654 xe so với 73.757 nghìn xe cùng kỳ 2021). Nhu cầu mua ô tô tăng mạnh nhưng nguồn cung hạn chế đã khiến nhiều mẫu xe không đủ cung ứng.
Anh Đ.N.P (Ba Đình, Hà Nội) cho biết đang tìm mua một chiếc Kia Carnival bản Premium. Tuy nhiên khi hỏi nhiều đại lý ở Hà Nội đều được trả lời “đang khan xe”, phải chờ tới tháng 6 hoặc 7 mới có xe giao.
Dù các đại lý Kia không tăng giá hay bắt mua xe kiểu “bia kèm lạc” để nhận xe sớm như một số đại lý của thương hiệu khác, nhưng nếu nhận xe sau ngày 31/5 anh sẽ không được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ.
Trên thực tế, một số mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước như: Hyundai SantaFe, Tucson hay Ford Ranger cũng đang có giá bán tại đại lý cao hơn giá bán đề xuất của hãng do khan hàng.
Một nhân viên Toyota Pháp Vân (Hà Nội) cho biết, với các mẫu xe lắp ráp, chỉ Vios là có xe giao ngay nhưng cũng tuỳ màu sắc và mức ưu đãi rút xuống chỉ còn khoảng 10 triệu đồng cho phiên bản G. Còn Toyota Fortuner hiện đang hết hàng, chưa có lịch giao xe cụ thể.
Trưởng phòng kinh doanh một đại lý Ford tại Hà Nội cũng cho biết, mẫu xe lắp ráp bán chạy như Ranger hiện cũng đang khan hàng. Có phiên bản khách hàng phải đặt cọc rồi chờ sang tháng 6 như XLS AT 2WD. Như vậy, khách hàng mua xe ở thời điểm này sẽ không kịp nhận xe để hưởng giảm 50% lệ phí trước bạ.
Có khan hàng ảo?
Ô tô lắp ráp đang khan hàng, trong khi thời điểm áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho loại xe này chỉ còn hơn 1 tháng
Theo báo cáo từ Bộ Công thương, trong tháng 3/2022, sản lượng ô tô lắp ráp đạt khoảng 42.500 chiếc, nâng tổng số xe sản xuất từ đầu năm lên 109.300 xe.
Tuy nhiên, theo báo cáo doanh số từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), VinFast và TC Motor, doanh số xe lắp ráp bán ra trong 3 tháng đầu năm chỉ gần 97.000 xe, thấp hơn 12 nghìn xe so với sản lượng cung ứng ra thị trường.
Nhìn vào số liệu này nhiều người sẽ đặt câu hỏi, vì sao còn tồn kho khoảng 12 nghìn xe mà lại khan hàng?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Kỹ thuật của VAMA cho biết, con số dư 12 nghìn xe có thể đúng nếu như giả thiết thời điểm 1/1/2022 lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước không còn xe tồn kho.
Tuy nhiên, con số trên chỉ có tính chất tương đối bởi trên thực tế còn có nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước không phải là thành viên VAMA (TMT, Tracomeco…) hay không có báo cáo doanh số như Mercedes-Benz.
Theo ông Hiếu, lượng tồn kho có thể có, nguyên nhân vì đầu năm lượng xe thương mại chưa bán được nhiều dẫn đến còn tồn. Hoặc có thể cả các mẫu xe du lịch lắp ráp nhưng không bán chạy. Cũng có thể do các hãng tăng cường sản xuất để phục vụ cho tháng 4 và 5 là 2 tháng cuối cùng áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất lắp ráp trong nước.
“Song trên thực tế, tình trạng ô tô khan hàng theo tôi là thật, không phải ảo. Bởi cùng phân khúc xe, nếu xe này khan hàng khách hàng có thể lựa chọn xe khác. Việc thiếu xe diễn ra trên diện rộng nên không thể có chuyện các hãng hay đại lý “bắt tay” nhau để tự tạo khan hàng. Hãng nào cũng muốn bán được nhiều xe”, ông Hiếu nói thêm.
Trao đổi với PV, đại diện Toyota Việt Nam cho biết, tình trạng khan hàng trên thực tế là có, nhưng chỉ đối với Toyota Fortuner, còn xe Vios vẫn đang sẵn hàng. Toyota Fortuner khan hàng do dịch bệnh Covid-19 diễn ra trước đó và hiện thiếu một số linh kiện.
Hãng cũng đã có một số biện pháp khắc phục như sản xuất 3 tại chỗ, cho nhân viên đăng ký làm thêm giờ để cải thiện nguồn cung trước nhu cầu mua xe “chạy” giảm lệ phí trước bạ.
Đại diện Mitsubishi Motors Việt Nam (MMV) cũng khẳng định, tình trạng xe lắp không đủ cung ứng ra thị trường hiện nay đang là câu chuyện chung của các hãng.
Mẫu xe Mitsubishi Outlander lắp ráp hiện cũng đang khan hàng và có những phiên bản, tuỳ màu phải tới tháng 6 mới có xe giao. Hiện hãng đã rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng để hạn chế tình trạng thiếu hụt linh kiện, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT), việc khan hiếm linh kiện hiện nay là bất khả kháng, chủ yếu do thiếu chip trên toàn thế giới.
“Giá xe có thể tăng hoặc không còn được ưu đãi nhiều như trước hoàn toàn do quy luật cung cầu của thị trường. Cấu thành một chiếc ô tô do linh kiện, phụ tùng nhưng nhà cung cấp nhỏ giọt nên sản lượng không đáp ứng được.
Tình trạng “cầu” đang lớn hơn “cung” nên mới sốt như vậy, chứ nếu hết chính sách giảm lệ phí trước bạ thì điều này chưa chắc đã diễn ra”, ông Hà nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận