Nhiều hãng xe "ngã ngựa" tại thị trường Việt Nam
Trong suốt những thập kỷ gần đây, các hãng xe Trung Quốc đã luôn cố gắng tiếp cận thị trường Việt Nam. Từ những năm đầu đổi mới, xe ô tô Trung Quốc như Lifan, Dongfeng, Chery đã gia nhập thị trường xe Việt Nam bằng hàng loạt mẫu xe cỡ nhỏ gồm hatchback, sedan.
Tuy nhiên, cũng chỉ được một thời gian, đến đầu những năm 2000, hàng loạt hãng xe Trung Quốc đành rời bỏ Việt Nam vì khó tồn tại, sức mua kém và không được lòng người tiêu dùng.
Thời điểm này, xe Trung Quốc vẫn chủ yếu là mẫu đơn giản, không có nhiều tính năng nổi bật, dù giá rẻ nhưng tại Việt Nam các thương hiệu Hyundai, Kia, Toyota, Honda vốn đã khẳng định được thương hiệu, giá bán tương đương với xe của Lifan, Chery, Dongfeng nên không có cửa dành cho hãng xe Trung Quốc.
Đến đầu những năm 2015, hàng loạt các hãng xe Trung Quốc tiếp tục đổ bộ sang Việt Nam lần thứ hai, các thương hiệu gồm Haima, Geely, Baic và Zotye... Chiến lược lần này của các hãng xe nội địa Trung Quốc là giá rẻ, mẫu mã đẹp, nội thất trang bị hiện đại nhằm đánh chiếm thị phần xe phổ thông, tầng lớp bình dân.
Giá bán của hầu hết mẫu xe sedan, SUV hay Crossover của Trung Quốc có giá dưới 800 triệu đồng, các mẫu xe này đều có ngoại hình bắt mắt cùng với những tính năng trang bị hiện đại mà chỉ những mẫu xe sang thời bấy giờ mới có.
Dù với thiết kế bắt mắt, trang bị hiện đại nhưng những mẫu xe Trung Quốc thời bấy giờ đa phần có ngoại hình giống với các hãng xe nổi tiếng như Audi, Jaguar, Land Rover. Việc này đã ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng, khi họ không muốn bỏ một số tiền lớn nhưng lại dùng hàng nhái hoặc copy.
Nguyên nhân chính khiến người Việt ít quan tâm xe Trung Quốc là do các kênh bán chính thức của xe Trung Quốc trước năm 2020 không mở ở Việt Nam. Các doanh nghiệp bán xe Trung Quốc hầu hết là gom mua các loại xe của nhiều hãng khác nhau để bán trên thị trường, theo hình thức nhập khẩu tư nhân.
Chưa kể sau đó hàng loạt hãng xe Trung Quốc rời khỏi thị trường Việt Nam, có hãng xe còn tuyên bố phá sản, tái cơ cấu tại quê nhà như Zotye khiến người tiêu dùng vốn đã nghi hoặc nay lại càng mất niềm tin với xe ô tô Trung Quốc.
Sự trở lại bài bản hơn của ô tô Trung Quốc
Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đó, những năm gần đây, các hãng xe Trung Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam một cách thận trọng và có tính quy mô bài bản hơn. Họ bắt đầu mở những đại lý phân phối chính hãng, ký kết hợp đồng xây dựng nhà máy với tham vọng có thể bán xe lắp ráp tại Việt Nam.
Với hệ thống hơn 30 đại lý 3S phủ rộng trên toàn quốc, MG đại diện cho các hãng xe ô tô Trung Quốc có doanh số xe bán ra ấn tượng. Tại Việt Nam hãng xe này đã có gần 11.000 chiếc xe được bán ra với các dòng sản phẩm chính như MG5, MG HS và MG ZS.
Tuy nhiên, gần đây hãng xe này đang liên tục gặp khó. Khi mẫu xe MG 5 của hãng bị tổ chức đánh giá xe ANCAP chấm 0 điểm an toàn, dấy lên sự lo lắng của người tiêu dùng về độ an toàn của mẫu xe chủ lực đang bán tại Việt Nam.
Các đại lý cũng liên tục hạ giá các mẫu xe để có thể tìm kiếm khách hàng. Mặc cho những nỗ lực giảm giá, những mẫu xe từng có doanh số tốt như MG ZS trong năm 2023 vừa qua gần như vắng bóng trên thị trường.
Năm 2023 có thể nói là năm nở rộ của các mẫu xe Trung Quốc tại thị trường Việt, với các thương hiệu lần lượt chào sân như Wuling, Haval, Haima, Lynk & Co…
Bước sang năm 2024, dự kiến sẽ có nhiều mẫu xe Trung Quốc mới tiếp tục nối gót nhau về Việt Nam, tăng thêm sự đa dạng mẫu mã và giá cả để thu hút người tiêu dùng.
Tuy vậy để chiếm được thị phần, cũng cạnh tranh được với những hãng xe Hàn hay Nhật vẫn là một bài toán khó đối với xe ô tô Trung Quốc. Khi mà người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn e ngại lịch sử "đem con bỏ chợ" của những hãng xe Trung Quốc trước kia lặp lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận