Giày cao gót là “thủ phạm” dẫn đến tai nạn
Ngày 21/10/2018, tại khu vực vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng. Một chiếc xe BMW đã bất ngờ đâm vào hàng loạt xe máy, xe taxi đang dừng chờ đèn tín hiệu giao thông phía trước khiến một người tử vong và nhiều người bị thương. Người điều khiển chiếc BMW gây tai nạn là bà Nguyễn Thị Nga (SN 1972, trú tại quận 12, TP HCM). Theo lời khai của bà Nga tại cơ quan công an, trước đó bà Nga có uống rượu nhưng vẫn tỉnh táo và nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng trên là do... đôi giày cao gót. Theo đó, khi thấy tín hiệu đèn phía trước báo đỏ thì bà Nga hãm phanh. Tuy nhiên, lúc di chuyển từ chân ga sang chân phanh, quai của chiếc giày cao gót mà bà đang đi vướng vào chân ga. Bà Nga liên tục cố rút chân ra nhưng quýnh quáng nên đạp chân xuống chân ga, khiến chiếc xe lao về phía trước, không kiểm soát được. Do đó, xe của bà đâm sầm vào một loạt các xe khác.
Vào lúc 17h30 ngày 21/8/2019, gần nút giao Nguyễn Trãi - Láng, một chiếc xe BMW khác khi đang lưu thông trên đường bất ngờ tông vào nhiều phương tiện phía trước. Tại trụ sở Công an phường Thượng Đình (Thanh Xuân), nữ tài xế này cho biết quai giày cao gót bất ngờ vướng vào chân ga, khiến chiếc xe lao về phía trước đâm liên hoàn vào xe máy, xe đạp điện đang lưu thông ở phía trước. Hậu quả của vụ tai nạn khiến một nạn nhân bị thương nặng.
Giày cao gót là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng “đạp nhầm chân ga”. Mới đây nhất là vụ tai nạn xảy ra vào 8h10 sáng 9/4 tại gầm cầu vượt Mai Dịch thuộc địa bàn phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) do nữ tài xế Nguyễn Thị Thanh Hà (SN 1980, ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) điều khiển ô tô Mercedes-Benz BKS 30A - 800.15 gây ra. Hậu quả vụ tai nạn khiến 4 người đi xe máy trên đường bị thương, xe ô tô BKS 30A - 800.15 biến dạng hoàn toàn và 2 xe máy của người đi đường hư hỏng nặng. Tại cơ quan công an, nữ tài xế Nguyễn Thị Thanh Hà khai trong lúc điều khiển xe ô tô đã đạp nhầm chân ga, dẫn đến vụ tai nạn.
Giày cao gót một món phụ kiện thời trang của phái đẹp nhưng khi sử dụng để lái xe lại bất ngờ trở thành “hung thần”. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi có nên cấm sử dụng giày cao gót khi lái ô tô hay không. Trao đổi với PV, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, tại các trung tâm đào tạo lái xe ô tô hiện nay việc hướng dẫn học viên trước khi cầm lái phải ăn mặc gọn gàng, đi giày dép đế bằng luôn được các giáo viên dạy lái phổ biến cho học viên đầu tiên, trước mỗi khóa học. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào cấm việc đi giày cao gót lái ô tô vì còn liên quan đến quyền con người. Bên cạnh đó, trên thế giới cũng chưa có nước nào cấm phụ nữ sử dụng giày cao gót khi lái xe.
“Tại Việt Nam cũng như các nước mới chỉ có khuyến cáo để đảm bảo an toàn khi lái xe phải đi giày đế bằng. Trên thực tế, tôi đã thấy có rất nhiều phụ nữ đi giày cao gót nhưng khi lái xe họ tháo giày cao gót ra và thay bằng giày bệt. Khi xuống xe họ lại thay giày cao gót vào. Đây cũng là một cách lái xe an toàn nhưng vẫn đảm bảo thời trang”, ông Thống chia sẻ.
Chỉ nên đi giày đế bằng khi lái xe
Ông Trần Hoàng Giang, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe Học viện An ninh nhân dân (C500) cho hay, để đảm bảo an toàn khi lái xe, phụ nữ nên mặc các trang phục thoải mái, không bó sát tránh gây khó khăn trong việc điều khiển xe: “Về vấn đề trang phục khi lái xe, đặc biệt là giày cao gót, tôi nghĩ không chỉ trung tâm tôi mà tất cả các trung tâm khác trên cả nước đều nhắc nhở giảng viên đào tạo, học viên không được phép sử dụng khi tập lái xe”. Bên cạnh đó, nên sử dụng giày đế bằng hoặc dép có quai khi lái xe để đảm bảo an toàn. “Giày cao gót có điểm tiếp xúc nhỏ, nhiều trường hợp có thể bị kẹt quai hoặc gót giày dẫn đến mất an toàn. Tốt nhất nếu có việc cần phải sử dụng giày cao gót như đi chơi hay đi tiệc, phụ nữ khi lái xe có thể chuẩn bị thêm một đôi dép hoặc giày đế bằng để thay giày cao gót khi lái xe”, ông Giang cho hay.
Chia sẻ với PV, chuyên gia đào tạo lái xe an toàn của Toyota Việt Nam cho biết, vẫn thường khuyên người sử dụng xe về trang phục quần áo không quá quan trọng, chỉ cần tự nhiên và thoải mái. Nhưng giày dép thì nên đi giày đế mềm và ôm chân, mũi không quá dài, tránh đi giày cao gót. Chị em phụ nữ khi đi làm nên chuẩn bị một đôi giày đế mềm để sử dụng khi lái xe. Còn khi nào không lái xe thì sử dụng giày cao gót.
“Việc sử dụng giày cao gót có thể khiến việc chuyển từ chân ga sang chân phanh hoặc ngược lại không được như ý muốn. Vì vậy, tốt nhất tài xế nên đi giày đế bằng để việc chuyển chân ga, chân phanh được thuận lợi nhất, tránh xảy ra đáng tiếc ngoài ý muốn”, chuyên gia lái xe của Toyota chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận