Những hệ dẫn động chủ yếu trên ô tô ngày nay:
1. Hệ dẫn động cầu trước (FWD): là hệ truyền động mà sức mạnh động cơ chỉ được truyền qua 2 bánh trước của xe. Hệ dẫn này chủ yếu được trang bị trên các mẫu xe với nhu cầu di chuyển nhiều là ở trong phố, thời tiết khô ráo.
Hệ dẫn động cầu trước là hệ thống đơn giản hơn hệ dẫn động toàn thời gian (AWD), do vậy mà nó thân thiện và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Vì tất cả các cơ chế đều đặt ở phía trước của xe, một chiếc xe FWD sẽ được thiết kế để cung cấp nhiều chỗ hơn cho cả hành khách ngồi trước và hành khách ngồi sau.
Ngoài ra, do không có hầm truyền tải trên sàn của hàng ghế sau nên không gian phía sau rộng rãi hơn.
Ưu điểm thứ hai của một chiếc xe FWD là lực kéo tốt hơn dẫn động cầu sau khi leo lên dốc, vì sức mạnh nằm ở bánh trước. Tuy nhiên, trong tình huống nếu một trong hai bánh trước bị mất lực kéo và trượt, chỉ còn một bánh xe để tìm độ bám thì lực kéo sẽ hoàn toàn kém.
Như vậy, FWD chỉ hoạt động tốt nhất trong điều kiện thời tiết khô ráo.
2. Hệ dẫn động cầu sau RWD: Đó là hệ truyền động mà sức mạnh động cơ chỉ được truyền qua 2 bánh sau của xe. Khi lái xe nhấn vào chân ga trên xe RWD, sức mạnh sẽ được truyền qua bánh sau, do đó tối đa hiệu suất của xe khi tăng tốc. Trong hệ dẫn động cầu sau, bánh sau cung cấp lực để xe di chuyển, trong khi bánh trước quyết định hướng đi của xe. Do vậy, những mẫu xe phải chở nặng như xe tải, xe bán tải và xe SUV thường được trang bị dẫn động cầu sau.
3. Hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian AWD (All Wheel Driving): là hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian. Trên xe sử dụng AWD, sức mạnh động cơ sẽ được tự động truyền đến các bánh xe dựa vào hệ thống điện tử mà không cần có sự can thiệp của người lái. Tùy vào điều kiện vận hành, hệ thống sẽ tự động tính toán và truyền lực đến các bánh xe theo tỉ lệ nhất định. Ví dụ khi đi đường khô ráo, phẳng thì lực truyền đến cầu trước và cầu sau lần lượt theo tỉ lệ 80-20.
Hệ thống AWD giúp người lái không quá lo lắng về việc lựa chọn hệ truyền động phù hợp, thiết kế bảng điều khiển trung tâm và cần số của xe AWD tương tự với các xe truyền động 2WD (một cầu). Hiện nay trên một số mẫu xe AWD được các hãng bổ sung thêm tính năng lựa chọn tỉ lệ truyền lực đến cầu trước và cầu sau, giúp tăng cảm giác lái cho người sử dụng.
Hệ thống AWD chủ yếu cải thiện cảm giác lái, tăng hiệu quả khi vào cua ở tốc độ cao, phù hợp với điều kiện địa hình không quá khó khăn như đường trơn, đường tuyết. Các địa hình khó khăn hơn như đất đá, cát lún hay sình lầy, offroad hạng nặng sẽ gây khó khăn cho AWD.
Tại Việt Nam, những mẫu xe được trang bị dẫn động này là Mazda CX-5, Mazda CX-8, Hyundai SantaFe hay Subaru Forester.
Hệ dẫn động 4 bánh bán thời gian 4WD (4 Wheel Driving): trên một số xe còn được ghi là 4x4 là hệ dẫn động 4 bánh. Ở hệ dẫn động này sức mạnh của động cơ sẽ được truyền đi từ hộp số tới hộp truyền động hoặc hộp số phụ. Bộ phận truyền động hay hộp số phụ có nhiệm vụ phân phối lực giữa cầu trước và cầu sau của xe, sao cho momen xoắn luôn được duy trì ở mức cao nhất giúp xe dễ dàng vượt qua sình lầy hoặc khi tải nặng.
Hệ dẫn động 4 bánh 4WD giúp cải thiện độ bám đường cho xe trong điều kiện địa hình gồ ghề, bùn đất. Người lái có thể chủ động kích hoạt hệ thống này khi muốn sử dụng và có thể tắt khi không cần tới. Các dòng xe SUV, xe bán tải được trang bị hệ thống 4WD, điển hình là mẫu xe bán tải Ford Ranger, Mitsubishi Triton, Nissan Navara, Isuzu D-max...hoặc các mẫu SUV 7 chỗ như Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport,...
Nhược điểm của dẫn động 4 bánh 4WD là không thể sử dụng cho tất cả mặt đường, tăng khối lượng của xe và có giá cao hơn dẫn động 2 bánh 2WD. Ví dụ như mẫu Ford Ranger Wildtrak 2.0L AT 4x4 có giá 918 triệu đồng, trong khi đó Ford Ranger Wildtrak 2.0L AT 4x2 chỉ có 853 triệu đồng.
Vậy lái xe trong chế độ 4WD trên đường cao tốc liệu có an toàn?
4WD dùng để tăng sức kéo cho xe ô tô trong những trường hợp như trơn, đường ẩm ướt, phải kéo đồ vật lên dốc. Đó là những lý do mà lái xe khi cần thiết phải sử dụng chế độ 4WD.
Mặc dù về mặt kỹ thuật có thể lái xe trong chế độ 4WD trên đường nhựa. Tuy nhiên, chế độ này không lý tưởng để sử dụng trên những con đường khô ráo và bằng phẳng. Vấn đề ở đây chính là khóa vi sai giữa các bánh xe, cả 4 bánh xe cùng quay một tốc độ.
Điều đó rất nguy hiểm khi di chuyển ở tốc độ cao trên đường cao tốc và chuyển làn khẩn cấp. Việc quay xe đòi hỏi các bánh xe ở 2 bên phải di chuyển ở các tốc độ khác nhau: các bánh xe bên ngoài phủ một khoảng cách dài hơn, do đó sẽ phải quay nhanh hơn.
Theo kinh nghiệm lái xe của các tài xế, có thể lái xe ở chế độ 4WD trên đường cao tốc, nhưng nếu có thì hãy chuyển sang 4H hoặc 2H.
Tuyệt đối không sử dụng 4L ở tốc độ cao. Hiểu đơn giản rằng 4L sử dụng các bánh răng thấp trong chế độ 4WD. Nếu cố gắng sử dụng 4L, bạn sẽ làm vòng tua tăng cao mà không tăng tốc độ nhiều, điều này không tốt cho xe.
Tóm lại, nên sử dụng hệ dẫn động 4 bánh (4WD) trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi lái trên đường cao tốc và không nên sử dụng nó trong điều kiện thời tiết tốt. Ngoài ra nếu bạn phải sử dụng 4WD thì đừng quên sử dụng 4H.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận