Thông tư số 29/2020/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công sẽ có hiệu lực từ hôm nay (2/6/2020).
Theo đó tại khoản 1 Điều 6 Thông tư nêu rõ, việc cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì xử phạt theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP.
Theo đó, cơ quan, tổ chức cho thuê xe ô tô công sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Với cùng hành vi vi phạm, nếu do cá nhân thực hiện sẽ bị phạt tiền bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức, tương đương mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng.
Thông tư 28/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 2/6/2020 sẽ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm và tài chính ngân hàng.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính thực hiện bãi bỏ Quyết định số 99/2005/QĐ-BTC về việc ban hành quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa.
Quyết định số 99/2005/QĐ-BTC ban hành ngày 22/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quy tắc và mức phí bảo hiểm TNDS bắt buộc cho người kinh doanh vận tải hành khách, chất dễ cháy nổ trên đường thủy nội địa, mức bồi thường cao nhất về người (tử vong) là 30 triệu đồng/người/vụ; về phương tiện mức cao nhất là 1 tỷ đồng/vụ.
Theo nhận định, quyết định này bị bãi bỏ do biểu phí bảo hiểm và mức bồi thường ban hành kèm theo không còn phù hợp với thực tiễn bồi thường và chi trả hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận