Tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn để sản xuất ra vi mạch đang gây gián đoạn hoạt động sản xuất ô tô toàn cầu, nay bắt đầu ảnh hưởng đến thị trường và ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Công nhân lắp ráp hệ thống điện - điện tử trên xe Ford Ranger tại nhà máy Ford Hải Dương
Chậm giao xe do thiếu chip
Cách đây hơn 2 tháng, chị Bùi Thúy Hiền (trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) ký hợp đồng mua chiếc Toyota Cross tại đại lý. Chiếc xe đặt mua là phiên bản máy xăng cao cấp nhập khẩu Thái Lan trị giá 828 triệu đồng.
Chị Hiền khá bất ngờ khi trong quá trình soạn thảo hợp đồng, đại lý ghi thêm điều khoản: “Việc giao hàng được thực hiện dự kiến trong tháng 11 - 12/2021 hoặc theo kế hoạch giao xe của Công ty Toyota Việt Nam cho Toyota Hải Phòng…”.
“Sau khi khảo sát nhiều đại lý cả ở Hà Nội lẫn các tỉnh lân cận tôi thấy không có đại lý nào cam kết giao hàng sớm hơn, với lý do chung là nguồn cung từ Thái Lan đang bị hạn chế do thiếu chip. Tôi buộc phải ký hợp đồng mua xe mà không chắc 6 tháng sau, xe có về đúng hẹn”, chị Hiền nói.
Tình trạng thiếu chip đang có những tác động đến ngành sản xuất cũng như thị trường ô tô Việt Nam. Dù không công bố chính thức nhưng việc hàng loạt mẫu xe đang khan hàng trên thị trường như: Mitsubishi Xpander, Outlander (lắp ráp trong nước), VinFast Fadil, KIA Seltos, Toyota Cross… đang cho thấy những tác động tiêu cực của tình trạng thiếu chip bán dẫn.
Mới nhất, hai hãng xe Mitsubishi Việt Nam và Suzuki Việt Nam đều đã thông báo cho các đại lý về việc chậm giao xe do việc thiếu hụt nguồn cung chíp bán dẫn và một số linh kiện điện tử.
Trong đó, Mitsubishi Việt Nam cho biết, phải sau 20 ngày làm việc mới có thể tiếp tục giao xe cho nhà phân phối để bán cho người tiêu dùng.
Tương tự, xe Suzuki XL7 và Ertiga vấp phải tình trạng nguồn nhập khẩu bị hạn chế trong thời gian từ tháng 5 - 7/2021 do nhà máy Suzuki tại Indonesia buộc phải cắt giảm sản xuất trong bối cảnh thiếu hụt linh kiện.
Tình trạng thiếu chip cũng được đích thân chủ tịch Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng nêu ra trong phiên họp đại hội cổ đông thường niên của tập đoàn này hôm 24/6/2021.
Ông Vượng tiết lộ, tại thị trường Mỹ, theo kế hoạch của Vingroup thì đến năm 2026 số lượng xe dự kiến bán là hàng trăm nghìn chiếc. Trong năm tới đây (2022), số lượng dự kiến bán là 56.000 xe, tuy nhiên do thiếu chip, nên mục tiêu giảm xuống còn 15.000 xe.
Mới đây trong một văn bản TC Motor gửi Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp chuyên lắp ráp xe Hàn Quốc này cũng đề cập việc thiếu chất bán dẫn, ảnh hưởng tới nguồn cung linh kiện chip điện tử đến nay đang là bài toán nan giải với rất nhiều doanh nghiệp.
Đại diện Ford Việt Nam cũng cho biết, hãng đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip toàn cầu, nhất là các dòng sản phẩm nhập khẩu Thái Lan. Tuy nhiên, với các dòng sản phẩm lắp ráp ở Việt Nam, tình trạng thiếu chip chưa ảnh hưởng bởi Ford luôn có sự điều phối nguồn cung ứng ở quy mô lớn, giảm thiểu tình trạng phải ngừng sản xuất do thiếu chip...
Nguồn cung không thể thay thế
Bảng mạch của bộ điều khiển màn hình trung tâm trên xe ô tô
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, lâu nay chúng ta thường nghĩ chỉ có trong đồ điện tử tiêu dùng như TV, laptop, loa đài, điện thoại mới dùng nhiều chip bán dẫn.
Tuy nhiên sự thật là trong ô tô ngày càng sử dụng nhiều vi mạch, thậm chí có thể lên đến hàng trăm bộ vi mạch trong một chiếc xe đời mới: Từ cảm biến đóng/mở cửa xe cho đến nút chỉnh gương chiếu hậu, nút chỉnh ghế ngồi đều sử dụng bộ vi mạch.
Thậm chí đơn giản như bộ cảm biến áp suất lốp cho đến phức tạp như bộ vi xử lý trung tâm ECU đều có “bộ não” làm bằng vi mạch bán dẫn.
“Vi mạch trên ô tô có gắn chip nhớ, có khả năng đàn hồi, chịu nhiệt độ khắc nghiệt, chịu rung động mạnh và các cú sốc bên ngoài khác, nên quy trình sản xuất phức tạp hơn và giá thành cao hơn, trong khi số lượng nhà cung ứng chip chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Đồng phân tích.
Phòng kiểm thử hệ thống điện tử trên xe bán tải tại nhà máy Ford Hải Dương
Một giảng viên Khoa Cơ khí ô tô, Đại học GTVT cho biết, các hãng xe không tự sản xuất ra chip, mà phải đặt mua hoàn toàn từ bên thứ ba, là các hãng chế tạo vi mạch khổng lồ như TSMC (Đài Loan) chiếm 73% thị phần toàn cầu, Intel (Mỹ) chiếm 10% thị phần, SMIC (Trung Quốc) chiếm 7%, Samsung (Hàn Quốc) chiếm 6%, các công ty Nhật và Singapore chiếm 2% thị phần.
Tình trạng thiếu hụt này có thể do sức ép chuyển đổi số trong đại dịch Covid-19, nhu cầu thiết bị điện tử tăng vọt, khiến nguồn cung loại linh kiện này cho ô tô bị ảnh hưởng.
Cũng theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, việc cung ứng vi mạch trong ô tô lại thuộc diện khắt khe bậc nhất trong danh mục linh kiện phụ tùng OEM.
Vi mạch trong xe hơi là loại linh kiện phụ thuộc chặt chẽ vào nhà cung ứng, không dễ dàng gọi nhà cung ứng khác đến bù đắp sản lượng thiếu hụt. Lý do là công nghệ hai bên phụ thuộc lẫn nhau.
Hãng xe có thể viết ra phần mềm nhưng khâu nạp phần mềm vào bộ vi xử lý lại do hãng chip đảm nhiệm.
“Cũng giống như vaccine, sản xuất chip ô tô không hề dễ dàng và số nhà cung ứng rất ít ỏi. Hiện tượng các hãng xe phải loan báo ngừng sản xuất, cầm cự một vài tuần là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng thiếu chip còn kéo dài, chưa thể chấm dứt ngay trong năm nay”, ông Đồng nói.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty Tư vấn toàn cầu AlixPartners dự đoán, việc thiếu hụt chip bán dẫn sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu thiệt hại khoảng 110 tỷ USD trong năm nay.
Con số này cao hơn mức dự đoán được đưa ra hồi tháng 1/2021, ở mức 61 tỷ USD. Theo AlixPartners, sản lượng ô tô trên toàn cầu sẽ giảm 3,9 triệu chiếc do thiếu chất bán dẫn, chiếm hơn 4,5% số xe mà các nhà sản xuất ô tô dự kiến sản xuất trong năm nay.
Sự thiếu hụt chip bắt nguồn từ nhiều yếu tố như việc các nhà sản xuất ô tô phải đóng cửa nhà máy trong đại dịch Covid-19, cạnh tranh chip cho các thiết bị điện tử tiêu dùng tăng mạnh. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt đối với các công ty công nghệ Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Ban đầu tập trung vào ngành công nghiệp ô tô, sự thiếu hụt giờ đây đã lan sang một loạt các thiết bị điện tử tiêu dùng khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận