Thái Lan cũng như nhiều nước Đông Nam Á hoàn toàn không cưỡng chế các nhà máy lắp ráp ô tô phải ngừng hoạt động để phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn cản Toyota Motor - nhà sản xuất ô tô hàng đầu của đất nước này, đóng cửa 3 nhà máy lắp ráp ô tô cho đến ngày 17/4/2020, theo Nikkei Asia.
Mitsubishi Motors và Isuzu Motors, hai thương hiệu xếp thứ nhì và ba tại Thái Lan về doanh số, cũng đã tạm ngưng sản xuất.
10% tổng sản phẩm quốc nội Thái Lan là từ ngành công nghiệp ô tô và sản xuất gần một nửa trong tổng số 4,15 triệu xe của toàn Đông Nam Á.
Sản xuất đình đốn trong khoảng 2 - 3 tuần của tháng 3 sẽ là "cú trời giáng" về kinh tế, khiến doanh số ô tô Thái Lan đã giảm 17%.
Sau Thái Lan, Indonesia là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai trong khu vực với khoảng 1,3 triệu xe mỗi năm.
Trong khi danh sách nhà máy đóng cửa có tên Honda Motor, đến nay Toyota và Mitsubishi cũng đã bắt đầu cắt giảm sản lượng. Tập đoàn Toyota đang chờ đợi các số liệu thống kê chi tiết về đơn đặt hàng trước khi quyết định có nên đóng cửa dây chuyền sản xuất hay không.
Nếu Indonesia yêu cầu ngừng hoạt động toàn quốc đối với hoạt động của nhà máy, sản lượng của Toyota tại Đông Nam Á sẽ giảm xuống thực tế bằng không.
Tại Việt Nam, Toyota, Honda và Ford Motor đều đã ngừng sản xuất, Malaysia cũng tương tự và thêm 2 nhà sản xuất nội địa Perodua và Proton cùng cảnh ngộ.
Đông Nam Á chỉ chiếm khoảng 5% sản lượng ô tô toàn cầu. Tình hình hiện nay cho thấy năng suất của ngành công nghiệp ô tô khu vực này chỉ vận hành được 30% công suất.
Sự suy thoái sẽ có tác động nặng nề nhất đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, do mức đầu tư rất lớn của họ trong khu vực. Chỉ riêng tại Thái Lan, các hãng xe Nhật Bản chiếm tới 90% cổ phần trong các liên doanh.
Mitsubishi sản xuất 350.000 xe tại Thái Lan mỗi năm, chiếm một phần tư sản lượng toàn cầu của hãng này, và khu vực Đông Nam Á cũng giúp thương hiệu này thu được lợi nhuận cao nhất (48,2 tỷ yên) so với tất cả các thị trường khu vực khác.
Tập đoàn Isuzu xem Thái Lan là cơ sở sản xuất lớn nhất của mình ở nước ngoài và tạo ra khoảng 30% doanh thu ở châu Á.
Bài học từ Vũ Hán cho thấy việc đóng cửa các nhà máy ô tô ở Đông Nam Á có thể sẽ kéo dài khoảng 2 tháng, sau đó quá trình hồi phục trở lại sớm hay muộn là do chính sách của từng nước cũng như cách thức mà từng hãng xe lấy lại được "những gì đã mất" do Covid-19.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận