Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô đang chứng kiến cuộc thay đổi công nghệ diễn ra mỗi thế kỷ chỉ một lần, đe dọa cả hãng xe lẫn công nhân. Các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang đầu tư hàng tỷ USD để phát triển xe điện, nhưng vẫn kiếm nhiều tiền nhất từ xe chạy bằng xăng.
Nhiều hãng xe lâu đời của Mỹ như General Motors (GM), Ford Motor và Stellantis (sở hữu Chrysler, Jeep và Ram) đang cố gắng bảo vệ lợi nhuận và vị trí của mình trên thị trường quê nhà, trước sự cạnh tranh gay gắt từ Tesla và các thương hiệu nước ngoài. Một số người điều hành và nhà phân tích cho rằng những gì đang diễn ra trong ngành công nghiệp này là sự biến đổi công nghệ lớn nhất kể từ khi Henry Ford tung ra dây chuyền lắp ráp tối ưu vào đầu thế kỷ 20, theo báo New York Times.
Sản xuất xe điện dùng ít công nhân hơn
Sản xuất ô tô nói chung, đã chuyển từ động cơ đốt trong sang xe điện. Vì có ít bộ phận hơn, xe điện có thể được sản xuất với ít công nhân hơn so với xe xăng.
Chính phủ Mỹ đang tạo sức ép và do nhu cầu của khách hàng cũng thay đổi, các hãng lớn ở Mỹ như Ford, GM và Stellantis đều phải đầu tư hàng tỷ USD nhằm đáp ứng hoạt động sản xuất ô tô điện.
Vấn đề là việc đầu tư cho xe điện lại không tạo ra nhiều lợi nhuận hoặc ít lợi nhuận khi bán các loại xe động cơ đốt trong. Trong khi đó, "trùm" ô tô điện là Tesla dường như đang độc chiếm thị trường, kiếm được nhiều tiền và thật sự và đang bứt tốc.
Người phát ngôn của Ford cho biết, bộ phận sản xuất xe điện của hãng sẽ mất 4,5 tỷ USD trong năm 2023, nếu như liên đoàn công nhân xe hơi Mỹ đạt được mọi điều khoản, từ tăng lương, trợ cấp cho đến nhiều quyền lợi khác mà họ đang đấu tranh. Qua đó, tổng thu nhập của công nhân các hãng xe hơi truyền thống sẽ gấp đôi so với nhân viên của Tesla.
Yêu cầu của liên đoàn sẽ buộc Ford phải hủy bỏ đầu tư vào ô tô điện. Ông Jim Farley, Giám đốc điều hành Ford cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo chí hôm 15/9: "Chúng tôi thực sự muốn có đối thoại về một tương lai bền vững, chứ không phải một tương lai buộc chúng tôi phải lựa chọn giữa phá sản với sự tưởng thưởng người lao động".
Theo New York Times, mối quan tâm lớn nhất của công nhân hiện nay là ô tô điện có ít bộ phận hơn so với xe xăng. Như vậy, nhiều công việc trong sản xuất ô tô trở nên thừa thãi.
Ví dụ như các nhà máy sản xuất ống xả, bộ chuyển đổi xúc tác, bộ phun nhiên liệu và một số bộ phận khác mà xe điện không cần, sẽ phải chuyển đổi công năng hoặc đóng cửa. Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất pin và ô tô điện đang tăng mạnh, có thể tạo việc làm cho công nhân từ các nhà máy xe hơi đã đóng cửa.
Trên thực tế, nhiều hãng sản xuất ô tô đang được xây dựng rầm rộ ở miền Nam nước Mỹ, nơi luật lao động nghiêng về phía người chủ hơn là ở miền Tây, nơi Liên đoàn công nhân xe hơi (UAW) của Mỹ nhiều quyền lực hơn.
Một trong những yêu cầu của liên đoàn là công nhân các nhà máy mới phải được bảo hiểm theo các hợp đồng lao động quốc gia của các hãng sản xuất xe hơi. Đây là yêu cầu mà các hãng cho rằng không thể đáp ứng vì những nhà máy này do các liên doanh với nước ngoài sở hữu. Liên đoàn cũng muốn khôi phục quyền đình công để ngăn chặn việc tiếp tục đóng cửa các nhà máy.
"Chúng ta đang ở bình minh của một cuộc cách mạng công nghiệp khác và cách đi là cách chúng ta từng thực hiện trong cuộc cách mạng công nghiệp vừa qua: nhiều tiền cho số ít và đau khổ cùng công việc không tốt cho số nhiều", bà Madeline Janis, giám đốc điều hành: "Việc làm để thúc nước Mỹ đi tới" cho biết. Tổ chức có tên gọi Jobs to Move America này chuyên ủng hộ quyền làm việc cùng với UAW và các công đoàn khác.
Xe truyền thống gặp khó khi chuyển sang xe điện
Các hãng xe hơi Mỹ đã thu được lợi nhuận kỷ lục trong thập kỷ qua, nhưng họ không thể tự mình đối phó khi đua tranh với Tesla và các hãng sản xuất ô tô điện nước ngoài.
Các hãng ô tô lớn của Mỹ đã gặp khó khăn khi phát triển kinh doanh xe điện, theo New York Times. Nhà máy pin mới của GM ở Ohio đã chậm sản xuất pin, làm trễ việc ra mắt các phiên bản điện của mẫu xe bán tải Chevrolet Silverado và các xe khác.
Ford đã phải tạm ngừng sản xuất xe bán tải điện F-150 Lightning hồi tháng 2, sau khi một viên pin đã bắt cháy trong chiếc xe đỗ gần nhà máy để kiểm tra chất lượng.
Stellantis sẽ không bán bất kỳ ô tô chạy điện hoàn toàn nào tại Mỹ cho đến năm 2024.
Mặc dù các hãng ô tô Mỹ đã kiếm được nhiều tiền trong những năm gần đây, nhiều lãnh đạo đã thể hiện sự lo lắng sâu sắc trước sự tăng trưởng của ô tô điện - hiện chiếm 7% thị trường ô tô mới của Mỹ. Khả năng xe điện sẽ được bán ra hàng triệu chiếc ngay trong năm nay.
Các nhà điều hành đều nhận thức rõ rằng, các hãng xe giàu truyền thống trong lịch sử đều tỏ ra kém cỏi trong việc duy trì sự thống trị mỗi khi xảy ra sự thay đổi lớn về công nghệ. Cứ nhìn cách Apple vượt qua Nokia và Motorola thì rõ.
Lãnh đạo các hãng và cả hầu hết nhà phân tích công nghiệp ô tô đều đã đánh giá thấp tốc độ phát triển xe điện của Tesla lẫn các hãng nước ngoài như Mercedes-Benz và Toyota có nhà máy ở miền Nam nước Mỹ, nơi họ không cần phải đối phó với công đoàn.
Trên thực tế, trong chi phí sản xuất xe hơi điện, lao động chỉ chiếm một phần rất nhỏ, trong khi pin mới là phần lớn nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận