Nhu cầu được hỗ trợ cảnh báo tốc độ bằng công nghệ
Theo các nghiên cứu trên thế giới, có 5 nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông. Trong đó, chạy quá tốc độ là nguyên nhân được xếp đầu tiên, thứ hai là uống rượu bia, thứ ba là không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, thứ tư là lái ô tô không thắt dây an toàn, thứ năm là sử dụng điện thoại khi đang lái xe.
Theo báo cáo mới nhất, con số thống kê tính đến ngày 31/8, các lực lượng chức năng toàn quốc thực hiện chấn chỉnh, nhắc nhở, xử phạt đối với 469.739 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe.
Tính bình quân, mỗi tháng có khoảng 59 nghìn vụ vi phạm tốc độ của người tham gia giao thông, phần lớn là người điều khiển ô tô và xe máy.
Ở phương diện kinh doanh vận tải, các tài xế sợ nhất lỗi vi phạm tốc độ do bị phạt nguội, nhiều lúc “ngớ người” vì không nhớ vi phạm khi nào, ở đâu. Chỉ khi đăng kiểm mới biết đã vi phạm trước đó khá lâu.
Bởi vậy, nhu cầu sử dụng phần mềm cảnh báo tốc độ đang ngày càng được các lái xe tìm kiếm, lắp đặt. Nắm bắt xu thế này, các nhà phát triển phần mềm nội địa nhanh chóng vào cuộc.
Theo một kỹ sư lập trình phần mềm của công ty FSoft, không có ứng dụng toàn cầu nào phù hợp cho việc cảnh báo tốc độ, phần lớn là phần mềm bản địa do nhà phát triển phải lập trình sao cho phù hợp với đặc thù giao thông từng quốc gia, cập nhật sát tình hình thực địa.
Chẳng hạn hệ thống biển báo hiệu ngay tại Đông Nam Á cũng mỗi nước một kiểu, rồi vị trí vô-lăng của xe và làn đường khác nhau, tay lái nơi bên nghịch, nơi bên thuận.
Bởi vậy các phần mềm thuần Việt cho người Việt như: ICAR, Vietmap, Navitel sẽ ngày càng hữu ích trên xe.
Gia tăng cạnh tranh, thu hút người dùng
Trên thị trường, các hãng phần mềm ô tô như ICAR, Vietmap đang tìm cách gia tăng hàm lượng công nghệ, tăng tiện ích để giành chỗ đứng trên màn hình ô tô người Việt.
Chia sẻ tại cuộc giao lưu với cộng đồng xe và giao thông (OFFB) có chủ đề “Làm chủ tốc độ giới hạn” hôm 7/10, ông Trần Quốc Thắng, CEO công ty phần mềm ICAR Việt Nam cho biết, hệ thống biển báo giới hạn tốc độ tại Việt Nam rất nhiều loại, có những loại chỉ có hình mà không có số. Ví dụ như biển báo bắt đầu vào khu đông dân cư. Hoặc có loại biển thoạt nhìn dễ nhầm với biển giới hạn tốc độ, như biển báo tải trọng xe dưới 10 tấn, chữ số 10 gần giống với form chữ của biển báo giới hạn tốc độ khác. Vì vậy ưu tiên số một khi thiết kế phần mềm là phải tập trung nhận diện và cảnh báo chính xác.
Cũng theo ông Thắng, qua thực nghiệm nhiều năm với hàng nghìn tài xế, việc tích hợp các loại biển báo khác (biển cấm dừng cấm đỗ, biển đường một chiều…) sẽ gây bối rối cho người lái do các thông điệp từ màn hình phát ra liên tục. Bởi vậy ICAR cho đến nay vẫn kiên trì tập trung làm thật tốt việc cảnh báo giới hạn tốc độ theo thời gian thực, phát huy ưu thế chạy đồng thời trên nền bản đồ Google Maps.
Về chi phí sử dụng, các hãng phần mềm hiện tại không cạnh tranh trực diện về giá, do tính năng và thời hạn gói thuê bao ứng dụng khác nhau.
Chẳng hạn phần mềm Vietmap S2 hiện có giá thuê bao khoảng 1,5 triệu đồng cho ba năm sử dụng, còn ứng dụng GSpeed thu phí thuê bao 25 nghìn đồng/tháng.
Các nhà phát triển phần mềm nói trên cũng chạy đua trong việc thu hút người dùng đóng góp cho cơ sở dữ liệu của phần mềm thông qua các thao tác đơn giản trên giao diện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận