Các diễn giả tham dự tọa đàm "Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid và xe pick-up: Giải pháp nào phù hợp?" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức nêu kiến nghị về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với hai loại xe nói trên.
Đề xuất "đánh đồng" mức thuế suất giữa các kiểu loại xe hybrid
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10/2024 và vừa được thảo luận tại hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. Dự thảo Luật đã có những thay đổi quan trọng đối với xe hybrid và xe pick-up chở hàng cabin kép.

Các diễn giả tại tọa đàm "Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid và xe pick-up: Giải pháp nào phù hợp?" ngày 3/4/2025. Ảnh: Lam Anh.
Theo dự thảo, xe hybrid sẽ được áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế suất đối với xe sử dụng động cơ đốt trong thông thường. Điều này giúp giảm gánh nặng thuế cho người tiêu dùng, thúc đẩy sử dụng xe thân thiện với môi trường và góp phần bảo vệ môi trường.
Dự thảo Luật cũng bỏ quy định phân biệt giữa các xe hybrid sạc trong (HEV) và sạc ngoài (PHEV), thay vào đó là một phương thức áp dụng chung. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các quy định chi tiết hơn về việc áp dụng thuế đối với các dòng xe hybrid.
Theo TS Lê Văn Nghĩa (Đại học Bách khoa Hà Nội), xe ô tô hybrid giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải khí CO2. Nghiên cứu cho thấy, xe hybrid có thể tiết kiệm từ 30-50% mức tiêu thụ nhiên liệu so với xe động cơ đốt trong thông thường.
Ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe hybrid là cần thiết để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn dòng xe này, giảm ô nhiễm môi trường và góp phần thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Cúc (Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam) cho biết, hiện xe HEV đang được đề xuất mức thuế 70% và xe PHEV được đề xuất thuế 50% (so với xe xăng), trong khi nhiều ý kiến đề xuất ưu đãi như nhau giữa 2 loại xe nói trên, mức 50%.
Theo bà Cúc, giảm thuế sẽ dẫn tới giảm thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng đây là một khoản chi phí có thể chấp nhận được so với các lợi ích lâu dài mà chính sách này mang lại về kinh tế - xã hội.
Đại biểu quốc hội Phan Đức Hiếu (thuộc Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội) ủng hộ đề xuất áp thuế 50% với các dòng xe hybrid, không phân biệt kiểu loại cấu hình. "Theo tôi cần chính sách thuế đủ hấp dẫn để thay đổi hành vi tiêu dùng", ông Hiếu nói.
Giữ nguyên hay tăng thuế xe bán tải theo lộ trình?
Đối với xe pick-up chở hàng cabin kép, dự thảo cũng đưa ra những điều chỉnh quan trọng. Cơ quan soạn thảo Luật đang xem xét để đưa ra một lộ trình áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt sao cho hợp lý, bảo đảm thời gian cho doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tránh gây khó khăn cho người dân.
Về xe pick-up chở hàng cabin kép, nhiều ý kiến cho rằng, đây là dòng xe được sử dụng chủ yếu ở ngoài đô thị, phục vụ chở hàng và kinh doanh vừa và nhỏ.
Theo đại biểu quốc hội Tạ Đình Thi (Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội), ở góc độ kỹ thuật và công nghệ, xe bán tải hữu dụng ở nông thôn và miền núi, cần chính sách thuế phù hợp để người dùng ở khu vực này tiếp cận được.

Một người dân ở Cao Bằng quan sát một chiếc xe bán tải mà anh dự định mua để chở ngô. Ảnh: Lam Anh.
Ở Việt Nam, phần lớn người tiêu dùng xe pick-up thuộc khu vực miền núi và các tỉnh ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chủ yếu là khách hàng cá nhân sử dụng cho mục đích vận tải và kinh doanh.
Một bộ phận khách hàng là các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước sử dụng xe này để thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Theo ông Trương Xuân Cừ (đại biểu quốc hội TP Hà Nội), xe pick-up (bán tải) có hai loại, loại cabin đơn (2 chỗ ngồi) thì áp dụng thuế như xe tải, loại vừa chở người vừa chở hàng (cabin kép, 4 - 5 chỗ ngồi) nên áp mức thuế suất bằng 40-50% mức thuế xe chở người thông thường.
Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, nên nhìn vào đối tượng sử dụng xe bán tải, 70% là ở nông thôn, chủ xe phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể. Việc tăng thuế suất cao ngay lập tức sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh và người dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Do đó, một lộ trình tăng thuế hợp lý trong 3 năm và áp dụng sau 1 năm khi luật được thông qua sẽ là một giải pháp hài hòa, bảo đảm thu ngân sách, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và phát triển bền vững ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận