Giới chức Mỹ đưa ra đề xuất lắp đặt công nghệ hạn chế tốc độ lên xe tải, xe buýt và các phương tiện khác khi di chuyển trên đường cao tốc |
Cuối tuần qua, giới chức Mỹ đưa ra đề xuất lắp đặt công nghệ hạn chế tốc độ lên xe tải, xe buýt và các phương tiện khác di chuyển trên đường cao tốc quốc gia, theo AP.
Đề xuất trên do Ban An toàn giao thông đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) cùng Cơ quan An toàn mô tô liên bang đưa ra. Theo đề xuất, các phương tiện mới được sản xuất tại Mỹ, trọng tải 1,17 tấn trở lên sẽ phải lắp đặt công nghệ điện tử hạn chế tốc độ tối đa. Trong đó, giới chức đang cân nhắc sẽ hạn chế tốc độ tối đa trong các khoảng: 95km/h, 105km/h và 110km/h. Chính phủ Mỹ tin rằng, hạn chế tốc độ tối đa đối với các phương tiện lớn sẽ giúp giảm 1.115 vụ tai nạn chết người liên quan tới xe tải lớn/năm, tiết kiệm 1 tỷ USD chi phí nhiên liệu.
Ngoài ra, dù công nghệ này có hạn chế bao nhiêu, tài xế vẫn có trách nhiệm phải hạn chế tốc độ thủ công. Mặt khác, đề xuất trên không bắt buộc phải áp dụng công nghệ hạn chế tốc độ đối với xe tải hạng nặng đời cũ.
Trong khi nhiều cơ quan, tổ chức ATGT cùng nhiều người tham gia giao thông hưởng ứng, nhiều tài xế xe tải e ngại, sự thay đổi này có thể dẫn tới tình trạng họ buộc phải di chuyển với tốc độ chậm hơn những người còn lại.
Thực tế, đề xuất trên được Tổ chức phi lợi nhuận Roadsafe America công bố lần đầu tiên năm 2006, sau đó rơi vào bế tắc trong gần cả thập kỷ. Thời điểm đó, NHTSA e ngại việc lắp đặt thêm thiết bị hạn chế tốc độ vào các phương tiện đời 1990 trở đi quá tốn kém và chờ thêm thông tin cùng bình luận. NHTSA cho biết, chi phí lắp đặt khoảng 100-2.000 USD/xe, tuỳ thuộc vào dòng xe được sản xuất năm nào.
Ngoài chi phí, quy định này cũng đòi hỏi phải thay đổi thiết kế động cơ. Các cơ quan chức năng sẽ lấy ý kiến cộng đồng về đề xuất trên trong 60 ngày trước khi chốt giới hạn tốc độ cuối cùng và quyết định có nên áp dụng quy định này hay không.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận