Theo Bộ GTVT, Chính phủ đã có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư chuyển đổi sử dụng ô tô điện. Tuy nhiên việc chuyển đổi chưa bắt kịp với xu hướng phát triển xe điện trên thế giới và còn chậm so với một số quốc gia trong khu vực.
Để thúc đẩy thu hút đầu tư, sản xuất, tiến tới nắm bắt công nghệ mới, chuyển đổi sử dụng ô tô điện trong nước, tiến tới xuất khẩu, Bộ GTVT đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện tại Việt Nam. Các loại xe ô tô điện được hưởng hỗ trợ, ưu đãi phát triển theo các đề xuất gồm: ô tô điện chạy pin, ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu và ô tô năng lượng mặt trời.
Ưu tiên ô tô điện tại đô thị
Bộ GTVT đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ người dùng chuyển đổi sang ô tô điện. Đáng chú ý trong đó có đề xuất tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông đối với xe ô tô điện khi hoạt động trong khu vực đô thị, vùng lõi đô thị; ưu tiên đỗ xe (chỗ, giá), giờ cao điểm.
Đồng thời, thiết lập các khu vực không phát thải tại vùng lõi đô thị mà trong đó chỉ các phương tiện không phát thải được hoạt động.
Bên cạnh đó, người mua ô tô điện sẽ được miễn, giảm lệ phí trước bạ, phí đăng ký biển số, thúc đẩy tiếp cận tín dụng và được trợ giá trực tiếp.
Với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ô tô điện sẽ được ưu đãi vốn vay, trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện. Ngoài ra đề xuất xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định mua sắm, sử dụng ô tô điện khi sử dụng nguồn vốn công.
Để thu hút xã hội hoá đầu tư kinh doanh trạm sạc cho ô tô điện, Bộ GTVT cũng đề xuất hỗ trợ giá bán điện cho các trạm và trụ sạc; cơ chế kinh doanh điện và dịch vụ sạc điện.
Ngoài ra để hạn chế xe động cơ đốt trong, Bộ GTVT cũng đề xuất thu phí khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
Giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế xe xăng, dầu
Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp ô tô sản xuất lắp ráp (SXLR) xe điện, Bộ GTVT đề xuất rà soát, bổ sung các nội dung về chính sách ưu tiên ưu tiên phát triển xe ô tô điện (đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng điện) trong các Luật liên quan làm cơ sở triển khai, thực hiện.
Đồng thời cần xây dựng, ban hành các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích phát triển phương tiện không phát thải. Thêm vào đó là rà soát cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý pin ô tô điện thải bỏ.
Sau khi tiếp thu các ý kiến, Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung ngành nghề SXLR ô tô điện, sản xuất pin ô tô điện vào ngành nghề thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư đặc biệt. Ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư mở rộng chuyển đổi SXLR ô tô điện, pin xe điện (miễn, giảm tiền thuê đất, thuế, phí ...), đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ xe ô tô điện tại Việt Nam.
Ngoài ra, đề xuất miễn, giảm thuế đối với việc nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyền để SXLR xe ô tô điện, pin xe điện; nhập khẩu tổng thành, linh kiện để SXLR ô tô điện, pin xe điện.
Thêm vào đó là các cơ chế ưu đãi tiếp cận tài chính, tín dụng... cho các doanh nghiệp SXLR ô tô điện, pin xe điện, bảo dưỡng sửa chữa ô tô điện. Chính sách ưu đãi đối với các dự án nghiên cứu, đầu tư tái chế, xử lý phương tiện, pin xe sử dụng điện, năng lượng xanh.
Với ô tô điện nhập khẩu, để khuyến khích, Bộ GTVT đề xuất ưu đãi thuế nhập khẩu so với xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
Nghiên cứu quy định về khai thác, chia sẻ trạm sạc
Hướng tới phát triển ô tô điện, việc có thể sạc xe thuận tiện là điều rất cần thiết. Bởi vậỵ, Bộ GTVT cũng đề xuất nhóm chính sách phát triển hạ tầng trạm sạc điện. Đầu tiên, cần ban hành các bộ quy chuẩn về trạm sạc điện, chuẩn kết nối trạm sạc phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ sạc quốc tế.
"Quy định hệ thống trạm sạc điện trong hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư; quy định về bố trí trạm sạc điện công cộng đối với các cơ sở hạ tầng đầu tư mới, cơ sở hạ tầng cải tạo (bến xe, trạm dừng nghỉ, khu đô thị, điểm đỗ, trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, chung cư, khu đô thị, nhà hàng, điểm trông giữ xe công cộng, trụ sở cơ quan hành chính ...); cho phép xây dựng trạm sạc điện công cộng trên các công trình có mục đích sử dụng đất như hiện tại mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng trạm sạc. Nghiên cứu việc miễn giấy phép xây dựng và điều chỉnh chủ trương đầu tư khi lắp đặt trạm sạc điện.
Rà soát, bổ sung, nâng cấp hạ tầng cung cấp điện; ưu tiên cấp điện cho hạ tầng trạm sạc điện công cộng. Nghiên cứu, ban hành các quy định về khai thác, chia sẻ trạm sạc/ trạm cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ", Bộ GTVT cho biết.
Ngoài ra, để phát triển hạ tầng trạm sạc, Bộ GTVT đề xuất ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất/ nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để sản xuất trụ sạc điện, xây dựng hạ tầng trạm sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh; Miễn thuế nhập khẩu máy móc linh kiện để lắp đặt trạm sạc điện; Ưu đãi tiền thuê đất, tiếp cận quỹ đất để xây dựng trạm sạc điện; Miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trạm sạc điện; Ưu đãi giá bán điện, ưu tiên cung cấp nguồn điện để phục vụ cho hệ thống trạm sạc điện công cộng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận