Tại buổi tọa đàm “Tìm giải pháp thúc đẩy công nghệ thu phí không dừng” do Báo Giao thông tổ chức sáng nay (13/5), trả lời câu hỏi “đi nhầm làn thu phí có bị xử phạt?”, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, hiện không dán thẻ không bị phạt. Quyết định 07 vẫn để lại một làn hỗn hợp để phương tiện không dán thẻ và không có nhu cầu sử dụng. Còn không dán thẻ mà cố tình đi vào làn thu phí tự động không dừng gây ùn tắc sẽ bị phạt.
“Quy định này đã được đưa vào Nghị định 100, xử phạt 1,2 triệu. Hiện ở các trạm thu phí đều có biển làn thu phí tự động không dừng. Thời gian qua, chúng tôi cũng phối hợp với Cục CSGT để kiểm tra, nhưng hiện chưa xử phạt, mới phát tờ rơi, nhắc nhở. Tuy nhiên thời gian tới, sẽ tiến hành xử phạt”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, kinh nghiệm từ Nghị định 100 cho thấy việc tuyên truyền góp phần thực hiện chính sách một cách hiệu quả. Tuy nhiên, quan trọng hơn cần phải khơi thông các giải pháp tạo sự nhanh chóng thuận tiện thì người dùng các doanh nghiệp vận tải đều sẽ chia sẻ và hưởng ứng.
Tại buổi tọa đàm, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cũng đưa ra gợi ý về giải pháp thanh toán toàn cầu trên thẻ Visa. Theo đó, khi đi qua trạm, phương tiện có thể nhận diện thông tin người tiêu dùng và tiền phí sẽ được trừ ngay vào thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử của người dùng.
Theo bà Dung, công nghệ của Visa đã thực hiện thành công 100 dự án và đang triển khai 250 dự án.
Tại Ấn Độ khi sử dụng công nghệ thu phí không dừng đã tiết kiệm chi phí 21,3 tỷ USD, hệ thống giao thông công cộng đã được cải thiện rõ rệt.
Về tiến độ dự án này, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, theo kế hoạch trước đây, Chính phủ chốt thời điểm 31/12/2019 phải hoàn thành dự án. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng gia hạn đến 31/12/2020.
Đến thời điểm 31/12/2019, Bộ GTVT đã hoàn thành giai đoạn 1, cụ thể là 40 trạm. Tuy nhiên, vướng mắc nhất là các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) không tìm được nguồn vốn triển khai. Lý do vì dự án án của VEC vay vốn ODA, hiện Hiệp định vay vốn đã kết thúc. Lý do thứ hai là do VEC đã chuyển về Uỷ ban quản lý vốn nhà nước, việc triển khai cũng khó khăn hơn.
Giai đoạn 2 của dự án có 33 trạm. Theo kế hoạch, sau khi Thủ tướng điều chỉnh Quyết định 18, liên danh nhà đầu tư giai đoạn 2 sẽ thành lập được doanh nghiệp dự án để sắp tới ký hợp đồng triển khai các trạm này. Hiện công tác khảo sát, thiết kế 33 trạm này đã được hoàn thành, khi thành lập được doanh nghiệp dự án sẽ tổ chức thi công ngay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận