Theo Chủ tịch Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO), sau 15 năm, THACO đã có 32 công ty, đặc biệt có 1 tổ hợp cơ khí hỗ trợ về sản xuất linh kiện, với diện tích là 85 ha, vốn đầu tư 24.350 tỷ đồng, chia theo các nhóm linh kiện kim loại, linh kiện nhựa, hóa chất, điện tử… Bước vào giai đoạn 2, chuẩn bị hội nhập ASEAN, đối với xe bus, THACO đã có thương hiệu xe Bus THACO, định vị sản phẩm cao hơn sản phẩm Trung Quốc, thấp hơn Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong giai đoạn tới đây, xe bus nhãn hiệu THACO sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan và Philipines.
“Hiện nay xe bus của THACO đang chiếm hơn 70% thị trường Việt Nam. Thời gian tới chúng tôi ký kết với Mercedes, Volvo để sản xuất xe bán tại thị trường Việt Nam và xuất qua ASEAN, tận dụng thuế bằng 0%. Trong tháng 1 tới chúng tôi bắt đầu xuất khẩu sang Thái Lan, Philippines. Đối với xe tải cũng tương tự. Hiện nay xe tải của chúng tôi tại thị trường Việt Nam với sản phẩm trung cấp chiếm 40% thị phần. Chúng tôi cũng đang làm với Mitsubishi – Fuso (Nhật Bản), Daimler để xuất khẩu sang các nước ASEAN với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40%.
Trong giai đoạn tới đây, chúng tôi cũng đang nỗ lực để nâng tỷ lệ nội địa hóa của xe con (Kia, Mazda) lên 40%, xuất khẩu sang các nước có tay lái thuận trong ASEAN”, Ông Trần Bá Dương cho biết.
Chia sẻ về kinh nghiệm nội địa hóa, ông Trần Bá Dương cho rằng, đối với những chi tiết phụ tùng mà yêu cầu về công nghệ không cao, hiện nay THACO đang làm theo 2 phương thức. Đầu tiên là THACO tự sản xuất và sau đó chuyển giao một phần cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước. Thứ 2 là hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Với hợp tác như vậy, hiện nay thị trường của THACO vừa là thị trường cung ứng để lắp ráp xe, nhưng bên cạnh đó cũng xuất khẩu được sang các nước khác. Trong một vài năm qua, THACO đã đạt 20 triệu USD xuất khẩu, riêng năm 2018 thì đạt 8 triệu USD. Kế hoạch năm 2019 là đạt 20 triệu USD xuất khẩu. "Để sản xuất ra một chi tiết phụ tùng với giá người ta mua được, với chất lượng đáp ứng việc ráp vào sản phẩm của người ta là rất khó", ông Dương chia sẻ thêm.
Chủ tịch THACO mong muốn hình thành trung tâm cơ khí miền Trung, trên cơ sở sản xuất các linh kiện phụ tùng, kêu gọi các doanh nghiệp của Việt Nam, các doanh nghiệp của nước ngoài đến để sản xuất linh kiện phụ tùng, cũng như các sản phẩm sử dụng trong nông nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận