Dây chuyền lắp ráp toàn robot tại nhà máy THACO Mazda |
Chu Lai cát trắng và những con robot lạ
Có lẽ, hơn 15 năm trước không ai có thể hình dung dải đất Tam Hiệp (Núi Thành, Quảng Nam) với cát trắng và mênh mang những triền đồi ấy lại có thể trở thành một khu liên hợp sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn. Với việc xây dựng Nhà máy sản xuất ô tô THACO Mazda có công suất 100 nghìn xe/năm, vốn đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng, khu liên hiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của THACO - Trường Hải đã trở thành trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất cả nước.
Ngay trong lúc làm lễ cắt băng khánh thành nhà máy, trong rộn vang tiếng cười và những tràng pháo tay chúc mừng, thì ở phía sau những phân xưởng lắp ráp ô tô Mazda đã bắt đầu đi vào hoạt động. Không giống với những xưởng cơ khí vốn ồn ã tiếng búa, tiếng rèn và kim loại va vào nhau chát chúa, ở đây là một không gian tĩnh lặng đến lạ thường. Thế nhưng, bước vào trong nhà máy mới thấy, hoạt động sản xuất, lắp ráp đang diễn ra hối hả, chỉ có điều gần như tất cả các công đoạn đều được robot (người máy) đảm nhận.
Một công nhân đang đứng trước bảng điều khiển hệ thống tự động hóa của nhà máy tâm sự: “Mỗi ngày cho xuất xưởng gần 200 xe nhưng cả nhà máy chỉ có khoảng 100 cán bộ, kỹ sư và công nhân vận hành. Hầu hết các công đoạn đều do robot thực hiện. Con người chủ yếu đảm nhận công việc vận hành hệ thống robot và thực hiện một số công đoạn lắp ghép, kết nối các phụ kiện. Để được đứng máy, vận hành dây chuyền hiện đại như thế này, anh em kỹ sư, công nhân đã được công ty tuyển chọn kỹ càng và cử sang Nhật đào tạo với một chế độ đặc biệt…”.
Hiện ra trước mắt là một dây chuyền dài hàng trăm mét với hàng chục robot đang nhịp nhàng lắp ráp từng phụ kiện. Do đã được lập trình nên những thao tác của robot chính xác, dứt khoát và gần như không có sai số. Trong dây chuyền hàn laser hoàn toàn vắng bóng người, thỉnh thoảng có những chùm kim loại bắn tóe như pháo hoa, để lại những mối hàn đẹp, nhẵn bóng và gần như không có xỉ. Những “bộ xương cốt” đầu tiên của hàng chục chiếc xe Mazda cứ qua một công đoạn lại hiện rõ thêm hình hài. Toàn bộ công đoạn hàn này đều được các “kỹ sư” robot thực hiện, không có bàn tay thủ công nào. Thậm chí, bao quanh dây chuyền hàn laser này còn dựng lên một hàng rào bằng kính để không ai có thể tự ý đi vào. Tất cả các robot đều cài đặt sẵn và được theo dõi từ trung tâm điều khiển máy tính của nhà máy.
Ở công đoạn hoàn thiện cũng sử dụng rất ít nhân công. Theo quan sát, chỉ có khoảng 3 kỹ sư túc trực để mỗi khi những dàn động cơ được robot tự động vận chuyển nâng lên ráp vào thân xe thì họ mới cần “động chân, động tay” nối ráp các chi tiết, linh kiện, hoàn thiện phần cơ bản của chiếc xe.
Công đoạn tiếp theo là việc lắp thêm những phụ kiện ngoài động cơ như: Vỏ xe, ghế ngồi và các chi tiết khác. Từ những khung sườn vô tri, lúc này trông chiếc xe đã “có hồn” hơn nhờ những linh kiện, nội thất và một phần option (lựa chọn trang bị) được lắp lên xe. Tất cả được thực hiện một cách nhanh gọn và không tốn quá nhiều công sức. Chỉ khoảng 10 phút chiếc xe đã được chuyển sang công đoạn khác.
Đi trong phân xưởng rộng rãi, thoáng đãng và gần như không có hạt bụi nào, thấy PV ngạc nhiên về một “cục sắt di động” bò chậm rãi vòng quanh các phân xưởng, một nhân viên ở Trạm hoàn thiện 06 giải thích: “Đấy là robot vận hàng. Con robot này được cài đặt tất cả các thông số như: Giờ nào, lấy loại linh kiện gì để đưa đến bộ phận lắp ráp. Nó sẽ tự động vào khu vực cấp linh kiện vận chuyển tới các bộ phận lắp ráp, không sai một giây nào…”.
Theo Chủ tịch THACO Trần Bá Dương, do dây chuyền lắp ráp 80% tự động hóa nên chất lượng sản phẩm của Nhà máy sản xuất ô tô THACO Mazda được kiểm soát chặt chẽ từng công đoạn sản xuất trên hệ thống quản lý chất lượng theo các chuẩn mực của Mazda toàn cầu. Điều này có ý nghĩa rất to lớn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng Việt Nam ủng hộ sản phẩm sản xuất trong nước. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước trong khu vực theo kế hoạch chung của Mazda.
Công đoạn thử nghiệm xe cuối cùng được thực hiện nghiêm ngặt |
Hướng đi hiện thực giấc mơ ô tô Việt
Phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô THACO Mazda mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không giấu được sự vui mừng trước cơ ngơi của một doanh nghiệp đầu đàn trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Theo Thủ tướng, việc khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy Sản xuất ô tô THACO - Mazda là một sự kiện có ý nghĩa lớn đánh dấu sự phát triển của THACO - Trường Hải và tỉnh Quảng Nam, đồng thời bày tỏ kỳ vọng những tập đoàn lớn như: THACO - Trường Hải, Hyundai Thành Công hay VinFast sắp tới… sẽ trở thành những trụ cột làm nên ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực và trên thế giới.
Còn theo Phó tổng giám đốc Mazda Nhật Bản Inoue, THACO bắt đầu lắp ráp xe Mazda cách đây 7 năm, doanh số lũy kế đã vượt 100 nghìn xe, xếp vị trí thứ 10 của Mazda trên toàn thế giới. Để có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực và tài lãnh đạo của ông Trần Bá Dương cũng như sự hợp tác, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. “Chúng tôi rất vinh dự được hỗ trợ THACO lắp ráp những mẫu xe Mazda bằng công nghệ hoàn toàn tự động. Bên cạnh đó, Mazda cũng cam kết hỗ trợ để đào tạo, nâng cao năng lực nhân viên nhà máy cũng như trang bị những triết lý kinh doanh của Mazda toàn cầu”, Phó tổng giám đốc Mazda Nhật Bản cho biết.
Theo ông Phạm Văn Tài, Phó tổng giám đốc THACO, để đáp ứng nhu cầu hội nhập, từ năm 2018, THACO bước sang chu kỳ chủ động đầu tư mới, đó là xây dựng mới các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe tải, buýt, xe con, xe chuyên dụng và tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp theo hướng tự động hóa, được tổ chức sản xuất theo tinh thần cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cụ thể, trong giai đoạn 2017-2021, THACO sẽ đầu tư gần 3 tỉ USD để phát triển khu công nghiệp cơ khí ô tô quốc gia kiểu mẫu, mở rộng đầu tư, kiên định con đường phát triển sản xuất ôtô trong nước. THACO sẽ hướng tới là xây dựng khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải thành khu công nghiệp cơ khí đa dụng và ô tô hiện đại, có đủ năng lực cạnh tranh mang tầm khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận