Mới đây, một khách hàng tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của Công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) sau khi gây tai nạn chết người đã yêu cầu bồi thường 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết hồ sơ bồi thường, BSH phát hiện ấn chỉ bảo hiểm (giấy chứng nhận bảo hiểm) cấp cho khách hàng là giả. Điều đáng nói, đây không chỉ là trường hợp đầu tiên.
Phát hiện giấy chứng nhận bảo hiểm giả từ vụ tai nạn chết người
Trung tuần tháng 8/2018, Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) nhận được thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc của một khách hàng tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa), là chủ phương tiện xe mô tô, số tiền bồi thường 100 triệu đồng (do xảy ra tai nạn dẫn đến chết người).
Trong quá trình giải quyết hồ sơ bồi thường, BSH phát hiện giấy chứng nhận bảo hiểm cấp cho khách hàng là giả của BSH, có số sê ri trùng với giấy chứng nhận thật do BSH phát hành, đã được bán cho một khách hàng khác tại tỉnh Hòa Bình.
Sau khi phát hiện sự việc, BSH đã tự xác minh, thu thập được một số chứng cứ cho thấy có đường dây in ấn và lưu hành giấy chứng nhận bảo hiểm giả của BSH nên đã làm đơn tố cáo gửi Công an huyện Nông Cống đề nghị điều tra xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Nguồn tin của Báo Giao thông cho hay, sau khi nhận được đơn của BSH, Công an huyện Nông Cống đã phối hợp với BSH tiến hành điều tra, thu giữ được nhiều tang vật là giấy chứng nhận bảo hiểm giả của BSH trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và đã xác định đều do đối tượng Lê Văn Hồng in ấn và giao cho một số đại lý bán ra thị trường.
Cuối tháng 3/2019, cơ quan CSĐT Công an huyện Nông Cống ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với ông Lê Văn Hồng (SN 1958 tại Hà Nam) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tại cơ quan điều tra, ông Hồng cũng đã khai nhận hành vi in giấy chứng nhận bảo hiểm giả của BSH với số lượng lớn rồi giao cho các đại lý do ông Hồng lập ra để tiêu thụ. Hiện, vụ việc đã hoàn tất giai đoạn điều tra, chuyển sang viện kiểm sát cùng cấp để truy tố đối tượng theo trình tự tố tụng.
Một vụ việc tương tự xảy ra hồi đầu tháng 1/2018 khi Công ty Bảo hiểm Bảo Long Nam Định (thuộc Tổng công ty CP Bảo hiểm Bảo Long) cũng phát hiện hàng nghìn cuốn giấy chứng nhận bảo hiểm giả, loại bảo hiểm TNDS bắt buộc cho xe máy, bị phát hiện được lưu hành tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh.
Được biết, hàng nghìn giấy chứng nhận bảo hiểm giả được một đối tượng làm việc tại chi nhánh Bảo Long Nam Định tổ chức in ấn và bán kiếm lời, với tổng giá trị (theo mệnh giá) khoảng 300 triệu đồng. Ngay sau đó, ngoài thông báo vụ việc cho cơ quan chức năng, Bảo Long Nam Định ra thông báo đình chỉ công tác của một cán bộ đang làm việc tại đây và thu hồi toàn bộ giấy chứng nhận bảo hiểm người này đang giữ.
Khách hàng lĩnh hậu quả
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nghiêm Xuân Khoa, lãnh đạo Ban Pháp chế của Bảo hiểm BSH cho hay: “Thông tin sơ bộ mà BSH nắm được thì đối tượng Lê Văn Hồng đang là nhân viên kinh doanh bảo hiểm. Trong vụ việc này không chỉ BSH mà một số doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng bị làm giả giấy chứng nhận bảo hiểm. Theo đó, đối tượng Lê Văn Hồng khai nhận với cơ quan chức năng là đã in khoảng 2.000 tờ giấy chứng nhận bảo hiểm các loại. Người này không đi bán trực tiếp mà bán qua các đại lý, chủ yếu trên địa bàn huyện Nông Cống”.
Một số công ty bảo hiểm đã từng bị vạ lây vì đại lý bảo hiểm sau khi được cấp các cuốn ấn chỉ, đã thông báo mất một vài cuốn nhưng vẫn bán sản phẩm cho khách hàng lấy tiền bỏ túi riêng. Công ty bảo hiểm công bố những cuốn ấn chỉ đó đã mất nên không có giá trị sử dụng, nhưng khách hàng không biết vẫn mua, nên khi có phát sinh vấn đề bồi thường xảy ra chỉ có khách hàng là thiệt.
Chuyên gia luật tố tụng Nguyễn Thị Phương Loan, Văn phòng Luật sư Thái Minh
Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông “về số lượng giấy chứng nhận bảo hiểm giả đã được bán và hiện còn lưu thông trên thị trường, đã thu hồi hết hay chưa?, ông Nghiêm Xuân Khoa cho biết: “Khi bị phát giác, ông Lê Văn Hồng là người chủ động đi thu lại trước. BSH đã yêu cầu đối tượng này thu hồi tang vật trong thời gian nhanh nhất. Đến nay, phía BSH và cơ quan điều tra mới chỉ phát hiện 2 liên đã bán ra, số còn lại chính đối tượng Hồng tự đi thu hồi ở các đại lý”.
Chuyên gia luật tố tụng Nguyễn Thị Phương Loan (VP Luật sư Thái Minh, Hà Nội) cho biết, Bộ luật Hình sự 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Trường hợp người thực hiện hành vi làm giả ấn chỉ nếu thỏa mãn về yếu tố chủ thể, thì có thể bị xem xét về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175), hoặc tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341) hay tội giả mạo trong công tác (Điều 359)… Hình phạt đối với các tội danh này khá nghiêm khắc, mức nặng nhất là 7 năm tù với tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; 20 năm đối với các tội còn lại”.
Về giải pháp phòng ngừa việc bị làm giả ấn chỉ, ông Lê Hoài Nam, Phó tổng giám đốc BSH phân tích: “Đặc điểm của giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS cho ô tô xe máy là chỉ dùng 1 năm, sau 1 năm dù chưa bán cũng thu hồi để phát hành cái mới. Tuy nhiên, sau sự việc này, ngay trong năm nay BSH cũng tính đến giải pháp công nghệ là triển khai mã vạch hoặc mã QR. Đây là giải pháp về kĩ thuật, bên cạnh đó sẽ có giải pháp tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo các cấp về quản lý, phát hành giấy chứng nhận bảo hiểm”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận