Sau khi Báo Giao thông có bài phản ánh về cách phân biệt các loại hình sản phẩm bảo hiểm xe máy trên thị trường, trong đó có sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc là loại giấy tờ cần thiết phải mang theo để xuất trình khi CSGT kiểm tra, nhiều bạn đọc tiếp tục đề nghị cho biết ý nghĩa của bảo hiểm TNDS và các thủ tục, trình tự để được nhận bồi thường bảo hiểm TNDS nếu không may xảy ra tai nạn.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, phân tích: "Xe cơ giới là cỗ máy tham gia giao thông với tốc độ cao, sẽ có nhiều trục trặc kỹ thuật bất ngờ xảy ra như hỏng lốp, phanh, điện, tay lái, các bộ phận cơ khí... dẫn đến tai nạn bất ngờ. Vì vậy xe cơ giới lưu thông thuộc diện "nguồn nguy hiểm cao độ". Không may xảy ra tai nạn, nếu người điều khiển xe không có lỗi cố ý hoặc không vi phạm Luật GTĐB thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo mức độ lỗi của chủ xe gây ra".
"Xảy nhà ra thất nghiệp, bên lái xe và bên bị nạn (gọi là bên thứ ba) có thể không đủ nguồn tiền khắc phục hậu quả của tai nạn. Nạn nhân bị thương sau khi được cấp cứu không đủ tiền để điều trị tại bệnh viện nơi đất khách quê người. Khi đó, giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS bắt buộc xe cơ giới là sự đảm bảo cho thanh toán chi trả viện phí", ông Phùng Đắc Lộc phân tích về ý nghĩa của loại hình bảo hiểm TNDS.
Giải đáp băn khoăn của hàng triệu người đi xe máy về việc phải chuẩn bị hồ sơ thủ tục thế nào để được bồi thường bảo hiểm TNDS, chuyên gia tư vấn của Công ty bảo hiểm quân đội (MIC) cho hay: "Để có căn cứ giải quyết bồi thường TNDS bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với chủ xe cơ giới, người bị thiệt hại, cơ quan công an và các tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập tài liệu về vụ tai nạn giao thông để lập hồ sơ bồi thường".
Hồ sơ bồi thường bao gồm các tài liệu sau:
1. Tài liệu liên quan đến xe, lái xe: Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Giấy chứng minh nhân dân (hộ chiếu hoặc các giấy tờ tuỳ thân khác của lái xe), Giấy chứng nhận bảo hiểm.
2. Tài liệu chứng minh thiệt hại về người: (Bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm): Giấy chứng thương, Giấy ra viện, Giấy chứng nhận phẫu thuật, Hồ sơ bệnh án, Giấy chứng tử (trong trường hợp nạn nhân tử vong).
3. Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản: Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra do chủ xe thực hiện tại các cơ sở do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm.
4. Tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn (bản sao): Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn; Sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có); Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn; Thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông.
5. Trường hợp thiệt hại xảy ra ước tính dưới 10 triệu đồng, hồ sơ bồi thường phải có các tài liệu quy định tại mục 1, mục 2, mục 3 và các tài liệu sau: Biên bản xác minh vụ tai nạn giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi xảy ra tai nạn. Biên bản xác minh vụ tai nạn phải có các nội dung sau: Thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn; Thông tin do chủ xe cơ giới hoặc lái xe gây tai nạn, nạn nhân hoặc đại diện của nạn nhân, các nhân chứng tại địa điểm xảy ra tai nạn (nếu có) cung cấp. Các đối tượng cung cấp thông tin phải ghi rõ họ tên, số chứng minh thư, địa chỉ; Mô tả hiện trường vụ tai nạn và thiệt hại của phương tiện bị tai nạn (kèm theo bản vẽ, bản ảnh). Biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền lập.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận