Trong nhiều trường hợp xảy ra tai nạn nhưng chủ xe quên không chụp ảnh hiện trường hay xe gây tai nạn, va chạm đã rời khỏi hiện trường, hình ảnh trích xuất từ camera hành trình được nhiều người thắc mắc liệu có thể sử dụng khi đòi bồi thường bảo hiểm. Theo tìm hiểu của PV, hình ảnh trích xuất từ camera hành trình có giá trị pháp lý tương đương với ảnh hiện trường trong hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Theo nhân viên tư vấn của dịch vụ Bảo hiểm Toyota, hình ảnh video từ camera hành trình cũng có thể được sử dụng như bằng chứng khi yêu cầu bảo hiểm bồi thường, dù là bảo hiểm thân vỏ (vật chất) hay bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm, bổ trợ cho hình ảnh hiện trường để việc xét duyệt bồi thường bảo hiểm được chính xác hơn.
Còn theo ông Vũ Thế Tuyền, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Bồi thường, Công ty bảo hiểm BSH Đông Đô, hình ảnh được trích xuất từ camera hành trình là cơ sở làm bằng chứng khi đòi bảo hiểm bồi thường. Nhưng về mặt nguyên tắc vẫn phải có hình ảnh hiện trường còn hình ảnh trích xuất từ camera hành trình chỉ phụ trợ và chứng minh, giúp việc xác minh và giải quyết bồi thường nhanh chóng hơn. Còn trong trường hợp tai nạn có liên quan đến bên thứ 3, đòi bồi thường bảo hiểm TNDS, bên cạnh hình ảnh hiện trường, camera hành trình vẫn phải có biên bản hiện trường, kết luận từ phía công an.
Còn đối với những vụ tai nạn như tự đâm vào gốc gây hay tường rào,… không liên quan đến bên thứ 3, yêu cầu bồi thường bảo hiểm vật chất thì không cần hồ sơ công an, chỉ cần hình ảnh hiện trường và có thể thêm hình ảnh từ camera hành trình để hỗ trợ tính xác thực.
Cũng theo ông Tuyền, trong trường hợp xảy ra tai nạn mà chủ xe đã mua bảo hiểm vật chất thì nên bình tĩnh, giữ nguyên hiện trường và liên lạc ngay với nhân viên bảo hiểm, hoặc gọi trực tiếp vào đường dây nóng của công ty bảo hiểm và thông báo cho đơn vị bảo hiểm biết việc chiếc xe xảy ra tai nạn (số đường dây nóng thường ở mặt sau giấy chứng nhận bảo hiểm) để được tư vấn. Sau khi được tư vấn, chủ xe hãy thực hiện đúng các bước được hướng dẫn, sử dụng điện thoại chụp ảnh lại toàn bộ hiện trường, xe để làm cơ sở giải quyết bồi thường bảo hiểm sau này. Tùy từng trường hợp tai nạn, cũng sẽ có thể có hoặc có thể không có nhân viên bảo hiểm trực tiếp tới hiện trường.
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn và yêu cầu của đơn vị bảo hiểm, chủ xe mới cần có tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn (CSGT). Còn đối với bảo hiểm TNDS bắt buộc, chủ xe phải có tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn để được bồi thường.
Để được bảo hiểm theo đúng hợp đồng đã ký với công ty bảo hiểm, bên cạnh những bước kể trên, theo quy định, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe cơ giới phải gửi thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm kèm theo các tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới để được hưởng bảo hiểm. Nếu quá 5 ngày chủ xe không thông báo sẽ bị áp dụng chế tài (tùy từng đơn vị bảo hiểm) khi bồi thường. Ngoài ra, chủ xe cũng sẽ phải cung cấp các giấy tờ liên quan đến chiếc xe và người điều khiển phương tiện cho đơn vị bảo hiểm.
Tiếp đến, chủ xe cũng cần phải chú ý đến việc hợp đồng bảo hiểm mình mua có điều khoản sửa chữa tại các trung tâm, cơ sở bảo hành bảo dưỡng chính hãng hay không. Trong trường hợp có, nếu xe bị tai nạn nặng, không thể di chuyển thì chủ xe có thể gọi cứu hộ, đưa xe về các cơ sở chính hãng. Còn nếu không, sẽ phải đưa xe về các garage do bảo hiểm tư vấn trực tiếp và chỉ định. Các cơ sở này hầu hết đều vẫn có người trực trong dịp Tết. Mọi chi phí gọi cứu hộ đưa xe về sẽ đều được bảo hiểm chi trả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận