Đam mê khám phá và sẵn sàng mạo hiểm vốn là tố chất của tuổi trẻ. Tuy nhiên, thú chơi này đòi hỏi người điều khiển xe phải được trang bị những kiến thức cần thiết về xe cộ, địa hình, thời tiết, bởi nếu không chuyện đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Không về N, tắt máy xe khi đổ đèo, tuân thủ đúng Luật GTĐB để phượt an toàn
“Ngựa” tốt không bằng kỹ năng của người lái
Nguyễn Hữu Bằng (Cầu Giấy, Hà Nội) tuy mới 25 tuổi nhưng đã có thâm niên 6 năm đi phượt bằng xe máy. Hiện, đang là nhân viên của một tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam nhưng hàng năm Bằng đều rủ đám bạn một vài lần tổ chức những chuyến “về rừng”, “săn mây, vờn gió” hay “săn tuyết”…
Thú chơi này được Bằng xem là trải nghiệm để rèn luyện bản lĩnh, tăng thêm vốn sống và thỏa đam mê khám phá.
Cứ vào mỗi dịp cuối năm, Bằng lại lập nhóm và kỳ cạch chuẩn bị xe cộ để lên đường.
Không cần những chiếc xe phân khối lớn, hầu hết nhóm phượt chỉ dùng những chiếc xe côn tay như: Yamaha MT-03, Honda Winner hoặc đơn giản chỉ là chiếc xe số phổ thông Honda Wave Alpha… rồi lỉnh kỉnh gọi nhau xách ba lô lên đường.
Xe máy sử dụng cho những chuyến đi phượt cần kiểm tra tình trạng dầu bôi trơn động cơ/hộp số, hệ thống phanh, đèn chiếu sáng/đèn tín hiệu, hệ thống giảm chấn của xe và đặc biệt, cần mang theo bộ đồ sửa xe và bugi dự phòng. Để đảm bảo an toàn khi đi phượt trên những cung đường đèo dốc cần lưu ý, không chạy quá tốc độ quy định, đi đúng phần đường của mình, đảm bảo khoảng cách an toàn…
Ông Đỗ Hữu Đức, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN
Đã nhiều năm đi phượt nên ngoài những kỷ niệm đẹp cũng có không ít những trải nghiệm xương máu mà mỗi lần nghĩ lại cũng “sởn da gà”.
“Có lần cả nhóm đang đi trên đường Hạnh Phúc (QL4C, Hà Giang), vì mải ngắm dòng sông Nho Quế sâu thẳm thơ mộng mà một bạn trong nhóm suýt lao xuống vực sâu. Chiếc xe máy cậu ấy chở bạn gái chỉ còn một nửa xe ở trên lề đường, bánh trước đang dần trượt xuống rãnh sâu. Rất may, xe có phanh còn tốt nên bánh sau vẫn đủ sức ghìm lại trong tình cảnh chực chờ lao xuống vực.
Rồi có lần cả đoàn phượt đang vượt đỉnh Hoàng Liên Sơn từ Lào Cai sang Lai Châu, giữa đèo thì bóng đêm ập xuống. Sương mù khiến mọi người không nhìn rõ đường nên khi đang đổ đèo thì ba chiếc xe của đoàn xô vào nhau ngã sóng soài…”.
Anh Hoàng Văn Hải (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), thành viên câu lạc bộ “Hà Nội Phượt” chia sẻ kinh nghiệm được anh đúc rút trong một câu ngắn gọn: “Ngựa tốt không bằng tay lái lụa”.
“Lái lụa ở đây không phải là phóng nhanh, vượt ẩu mà là phải có sự chuẩn bị phương tiện kỹ càng và có kỹ năng, bản lĩnh. Trước mỗi chuyến đi, tôi đặc biệt lưu ý đến việc kiểm tra các bộ phận của xe, trong đó tập trung kiểm tra nhông xích, săm lốp, ắc quy, bộ đèn xe sao cho nhông xích trơn, không mắc không giãn, lốp không mòn, đèn đủ sáng để phá sương. Đối với người lái, tối thiểu phải đội mũ bảo hiểm che 3/4 đầu hoặc mũ đầy đủ, kính mắt và nên có bộ giáp chân, giáp tay.
Khi di chuyển nên đi vào buổi sáng sớm, nghỉ sau mỗi 1,5 - 2 tiếng di chuyển để đảm bảo sức khỏe và tinh thần tỉnh táo. Trường hợp buộc phải di chuyển ban đêm, cần trang bị những miếng dán phản quang cho xe máy để phương tiện được dễ dàng nhận ra trong bóng tối, tránh những nguy hiểm bất ngờ”, anh Hải chia sẻ.
Theo Trung tá Đỗ Tú Anh, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Lai Châu, nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT trên đường đèo dốc phần lớn là do người lái chủ quan vì đường vắng, chạy nhanh, không chú ý quan sát.
“Đường đồi núi thường xuyên xảy ra tình trạng sương mù bao phủ khiến tầm nhìn bị hạn chế nên lái xe, nhất là các bạn trẻ đi phượt cần tỉnh táo, tập trung, không được chủ quan. Ngay cả khi đã có kinh nghiệm đi đường đèo, cần đi đúng tốc độ quy định và không lấn làn đường, nhất là lúc vào cua để tránh xảy ra tai nạn bất ngờ”, Trung tá Tú Anh khuyến cáo.
Cũng theo Trung tá Tú Anh, với các bạn đi phượt thì xe cần được trang bị đèn phá sương, loại đèn dây tóc màu vàng để dễ dàng quan sát khi đi vào đoạn đường sương mù, không nên sử dụng kính chắn trên mũ bảo hiểm bởi nhiệt độ chênh lệch sẽ khiến phần mặt kính hấp hơi, che tầm nhìn lái xe.
Nên chọn xe máy nào để đi phượt?
Xe máy số, xe tay côn hay ô tô gầm cao là những phương tiện phù hợp cho chuyến đi phượt
Vừa trở về từ chuyến phượt Hà Nội - Mộc Châu (Sơn La), anh Phạm Duy (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đang cặm cụi chăm sóc chiếc xe tay côn Honda Winner X vừa đồng hành trong chuyến đi.
Theo anh Duy, đi phượt, mọi người thường sẽ chọn xe máy, còn đi cắm trại (camping) sẽ sử dụng ô tô cá nhân. Với những cung đường xa như: Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái… thường sẽ đi xe khách đến tỉnh đó rồi thuê xe máy tại địa phương để di chuyển.
“Tùy trình độ lái của mỗi người mà lựa chọn loại xe thích hợp, phổ thông nhất là dòng xe số 110 phân khối trở lên hoặc xe côn tay 125, 150 phân khối, bởi những xe này người lái có thể tự cài số làm chủ gia tốc của xe. Hơn nữa, loại xe này có bánh to nên dễ dàng di chuyển trên đường núi, dốc, dễ dàng cua ngoặt và vượt các địa hình phức tạp. Đối với xe tay ga sẽ không hoặc khó đáp ứng những yêu cầu này”, anh Duy cho biết.
Trung tá Đỗ Tú Anh cũng cho biết, đa số những đoàn phượt di chuyển trên địa bàn đều sử dụng xe côn tay, bởi với loại xe này, người lái thao tác bấm côn về số sẽ đạt được tốc độ ngay tức thời để vượt lên hoặc cũng có thể dừng lại ngay nếu có vật cản.
Đi xe tay ga sẽ không chủ động được như xe tay côn. Ngoài ra, xe tay côn có gầm cao sẽ dễ dàng vượt qua các đoạn đường gồ ghề, phức tạp trong khi các xe tay ga đa số có gầm thấp.
Ông Đỗ Hữu Đức, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, xe tay ga được thiết kế, chế tạo chủ yếu để phục vụ cho việc sử dụng tại đường đô thị, loại xe này thường sử dụng dây cu-roa và hộp số vô cấp nên khả năng leo đèo dốc khá yếu, người sử dụng không thể chủ động tăng, giảm số của xe.
“Ngoài ra, tư thế ngồi trên nhiều loại xe tay ga dễ gây mệt mỏi cho người điều khiển khi chạy xe trên các cung đường dài. Vì vậy, khi đi phượt nên sử dụng các loại xe số kết hợp côn tay”, ông Đức nói.
Một chuyên gia tại Trung tâm Đào tạo lái xe an toàn của Honda Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, một số mẫu xe máy Honda phù hợp để đi phượt như: Honda Winner X 150 phân khối. Đây là loại xe côn tay phù hợp cho cả nam và nữ.
Cao hơn là dòng CB500X 500 phân khối có mức giá trung bình 188 triệu đồng, nhưng phù hợp với nam giới cao từ 1m67 trở lên, đủ để chống được chân và đảm bảo an toàn. Cao hơn nữa là dòng Honda Africa Twin chuyên xe địa hình có giá từ 590 - 690 triệu đồng.
Những loại xe này được trang bị lốp xe có cấu tạo phù hợp để di chuyển trên những địa hình phức tạp một cách dễ dàng mà không bị trượt bánh, mòn bánh. Ngoài ra, động cơ mạnh mẽ hơn cũng sẽ giúp vượt địa hình dễ dàng hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận