Lặn lội khắp trời Âu tìm xe đạp cổ
Nói về hành trình sưu tập của mình, ông Tình chia sẻ, nếu không tâm huyết, không có tình yêu dành cho xe đạp Peugeot thì có lẽ đã phải bỏ cuộc giữa chừng. Gần hai mươi năm, ông lặn lội khắp trời Âu để tìm kiếm những chiếc xe đạp mà mình ưng ý. Nghe ở đâu có xe đạp Peugeot cổ, nguyên bản, ông lại tìm đến và mua cho bằng được. “Nguyện vọng của tôi lúc đầu là chỉ theo sở thích, làm sao gặp được những chiếc xe đạp mình ưng ý. Nhưng có một điều khó khăn là những chiếc xe đạp có tuổi đời từ 50 - 70 năm trở về trước đã phai mờ theo thời gian, để có được rất khó”, ông Tình bày tỏ.
Ngày 18/11/2018, nhà sưu tập Đào Xuân Tình đã vinh dự đón nhận Kỷ lục Quốc gia cho “Bộ sưu tập xe đạp Peugeot sản xuất tại Cộng hòa Pháp có số lượng nhiều nhất” do T.Ư Hội Kỷ lục Việt Nam tổ chức. Cũng tại buổi lễ đón nhận kỷ lục, ông Đào Xuân Tình đã trao tặng hai chiếc xe trong bộ sưu tập cho Bảo tàng lịch sử Quốc gia với mong muốn cặp xe này sẽ được bảo tàng gìn giữ và trưng bày phục vụ du khách tới tham quan, thưởng lãm...
Hiện tại, bộ sưu tập xe đạp Peugeot sản xuất tại Cộng hòa Pháp của ông Đào Xuân Tình đã lên tới hơn 100 chiếc có tuổi đời vài chục đến trên 100 năm và vẫn hoạt động tốt. Theo ông, xe đạp Peugeot được thiết kế tỉ mỉ, tinh tế và có những điểm khác so với các dòng xe đạp thông thường. Đó là nhà sản xuất đã lấy mẫu của một con sư tử thể hiện cho quyền lực của chúa sơn lâm để làm logo, biểu tượng, niềm hãnh diện của thương hiệu này. Ngoài ra, khi tư thế của con sư tử thay đổi tức xe đã chuyển sang một đời khác. “Sau những năm 1960, ngoài chi tiết thay đổi logo thì đời xe được sản xuất, chế tạo năm bao nhiêu sẽ được đóng luôn vào trong vành và thời điểm đó chính là lúc xuất xưởng.Vì vậy, chỉ cần nhìn dáng xe, logo cùng một vài chi tiết phụ tùng sẽ biết được chính xác năm sản xuất và chiếc xe đó từ Pháp xuất đi quốc gia nào”, nhà sưu tập cho hay.
Nguyên tắc trong việc sưu tập xe đạp Peugeot của ông Đào Xuân Tình đó là xe phải cổ, còn nguyên bản và vẫn sử dụng được tốt. Ngoài ra, vào mùa hè ở Hà Nội việc bảo quản xe đạp Peugeot gặp rất nhiều khó khăn. Để gìn giữ những chiếc xe của mình, ông đã phải thuê một đội những người thợ có tay nghề, kỹ thuật cao luôn bên cạnh bảo dưỡng, chăm sóc và sửa chữa xe đạp Peugeot để những chiếc xe lúc nào cũng óng ả, sáng bóng và di chuyển tốt.
“Qua năm tháng, chiếc xe có thể bị phai mờ theo thời gian nhưng tôi chỉ vệ sinh, lau chùi, sửa chữa làm sao đi cho nhẹ chứ không bao giờ tân trang. Chính vì thế mà bộ sưu tập trông có thể không được mới nhưng lại có giá trị nguyên bản. Và cứ như vậy, 50 -70 năm hoặc có thể 1 thế kỉ sau những chiếc xe ấy nó vẫn còn sử dụng rất tốt”.
Tìm “bạn tình” cho những chiếc xe
Trong gần 20 năm theo đuổi đam mê, điều khiến nhà sưu tập Đào Xuân Tình tâm đắc nhất trong bộ sưu tập đặc biệt của mình chính là đã ghép thành công những chiếc xe đạp Peugeot theo cặp nam - nữ. Bởi với ông, chiếc xe đạp Peugeot cổ được coi như những người bạn, có cảm xúc, có tâm hồn, nên mỗi khi sưu tập được một chiếc xe đạp mới ông lại cố gắng tìm kiếm và sưu tập thêm chiếc còn lại đúng thời, đúng màu để chúng cũng có đôi, có cặp. Vì vậy mà đến nay ông đã sở hữu được vài chục cặp xe Peugeot sản xuất tại Pháp mang nhiều màu sắc, kiểu dáng khác nhau.
Mỗi một chiếc xe trong bộ sưu tập lại là một câu chuyện, tất cả đều gợi cho ông cảm xúc nhớ đến quá trình tìm kiếm, năm sản xuất, chủ nhân là ai, chất lượng ra sao, hoàn cảnh mua như thế nào... Trong đó, phải kể đến cặp xe nam Peugeot màu sữa sản xuất trước năm 1950 khi ông ròng rã suốt 10 năm mới có thể tìm được một chiếc xe nữ để ghép thành đôi. Hay chiếc xe đạp Peugeot nam sản xuất trước năm 1954 cũng phải mất 8 năm mới có chiếc xe nữ cùng cặp...
“Có lần, khi mua được một cặp xe Peugeot nam, chủ nhân của nó đã khóc khi giao cho tôi. Khi đó, tôi chỉ nói một điều, từ giờ phút này tôi sẽ chăm sóc đứa con tinh thần của ông và đi tìm người “bạn gái” cho nó. Cuối cùng, sau 15 năm, tôi cũng tìm được một chiếc xe nữ cùng màu, cùng đời và bây giờ chúng trở thành một cặp đôi danh giá của tôi”, ông Tình nhớ lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận