Nhiều người vẫn nghĩ giá ô tô tại Việt Nam cao gấp đôi, gấp ba lần so với các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia… Tuy nhiên, đến nay, mức chênh lệch dường như đã được thu hẹp. Thậm chí, có những mẫu xe tại Việt Nam còn có mức giá niêm yết thấp hơn.
Mức chênh đã được thu hẹp
Thực tế việc so sánh giá bán giữa các mẫu xe ở mỗi quốc gia khác nhau không thể đạt mức độ tuyệt đối bởi sự khác nhau về nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là sự khác biệt về trang bị, công nghệ. Tuy nhiên, sự cân bằng về mức giá giữa các mẫu xe tại Việt Nam với các nước trong khu vực đã phần nào cho thấy sự rút ngắn về mức độ chênh lệch.
Đối với ô tô nhập khẩu, theo khảo sát đối với một vài mẫu xe mới cùng ra mắt tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, giá bán của các mẫu ô tô có mức chênh lệch không đáng kể.
Điển hình như mẫu MPV bán chạy nhất khu vực hiện nay là Mitsubishi Xpander. Tại quốc gia sản xuất là Indonesia, giá xe đang dao động từ 365 - 460 triệu đồng (đã quy đổi ra VNĐ). Tuy nhiên, tại những nước nhập khẩu mẫu xe này như Việt Nam hay Thái Lan hiện có giá bán tương đương nhau, ở mức trên 500 triệu đồng cho phiên bản thấp nhất.
Cụ thể, giá bán của Xpander tại Thái Lan hiện từ 555 - 605 triệu đồng cho 2 phiên bản số sàn và số tự động, trong khi tại Việt Nam mẫu xe này có giá từ 550 - 620 triệu đồng. So với Thái Lan, bản số sàn của Xpander tại Việt Nam có giá bán rẻ hơn khoảng 5 triệu đồng nhưng ở bản số tự động, mức giá cao hơn khoảng 15 triệu đồng.
Đối với các mẫu xe lắp ráp trong nước, mức chênh giá so với các quốc gia trong khu vực cũng đang được cân bằng. Cụ thể ở phân khúc sedan cỡ C, giá bán các mẫu xe cũng chênh lệch không nhiều giữa các nước. Mẫu xe Mazda 3 thế hệ mới vừa đồng thời ra mắt tại cả Thái Lan và Việt Nam cuối năm 2019 là ví dụ điển hình. Cả 2 mẫu xe này đều được sản xuất lắp ráp (CKD) tại cả Thái Lan và Việt Nam nhưng hiện mức giá của 2 mẫu xe tại mỗi nước đều sít sao.
Tại Thái Lan, Mazda 3 thế hệ mới khi ra mắt có giá từ 745 - 921 triệu đồng còn tại Việt Nam là từ 719 - 939 triệu đồng. Tuy giá bán bản cao cấp nhất tại Việt Nam có giá cao hơn so với ở Thái Lan khoảng 18 triệu đồng nhưng bản thấp nhất của Mazda 3 tại Việt Nam lại có giá bán rẻ hơn ở Thái Lan tới 26 triệu đồng.
Trong số hàng loạt dòng xe ô tô ở nhiều phân khúc bán tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe sedan hạng B có giá bán dưới 600 triệu đồng được người Việt chọn mua nhiều nhất trong năm 2019, với tổng doanh số xấp xỉ 67.000 xe. Ở phân khúc này hiện Toyota Vios tại Việt Nam có giá bán 470 - 570 triệu đồng thì tại Thái Lan mức giá cũng thấp hơn không nhiều (từ 429 - 556 triệu đồng).
Với mẫu xe Toyota Innova, tại Việt Nam giá bán từ 771 - 971 triệu đồng trong khi tại Thái Lan có giá từ 805 - 1,008 tỷ đồng.
Thái Lan là thị trường tiêu thụ rất nhiều xe bán tải tuy nhiên theo một số nhận định, mức giá niêm yết của các mẫu xe bán tải tại Việt Nam hiện cũng chỉ cao hơn giá công bố chính hãng tại Thái Lan khoảng 10%. Cá biệt, mẫu bán tải bán chạy số 1 tại Thái Lan là Isuzu Dmax phiên bản cao nhất là 815 triệu đồng, trong khi tại Việt Nam là 820 triệu đồng…
Giá ô tô có thể giảm tiếp?
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, phần thuế hiện chiếm khoảng 40% cơ cấu giá niêm yết một chiếc xe ô tô bán tại Việt Nam. Do miễn thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN từ năm 2018 về 0% nên giá niêm yết một chiếc xe ô tô dưới 9 chỗ hiện nay sẽ chỉ bao gồm: Giá vốn (gồm chi phí nhập khẩu + chi phí bán hàng) sau đó chịu thêm thuế TTĐB, thuế GTGT và cộng thêm lợi nhuận mong muốn.
“Hiện nay, mức thuế TTĐB áp dụng với nhóm xe cỡ nhỏ động cơ dưới 1.5L tại Việt Nam đang ở mức 35%, gần tương đương các nước như Malaysia là 30%, bởi thế mức giá niêm yết của dòng xe nhỏ được Chính phủ ưu tiên sẽ dần kéo giá xe về một mặt bằng chung”, ông Đồng cho biết.
Chủ tịch Rolls-Royce Motorcars Hanoi - ông Đoàn Hiếu Minh cũng cho biết, dù thuế nhập khẩu ô tô nội khối ASEAN đã về mức 0% nhưng để ngay lập tức về mức bằng nhau trong khu vực là rất khó. Yếu tố quan trọng nhất là sản lượng lắp ráp từng mẫu xe tại quốc gia nào là lớn nhất, thì giá của mẫu xe đó sẽ là rẻ nhất. Áp lực lên nhà sản xuất lắp ráp ô tô là phải duy trì sức mua ổn định để nuôi dưỡng dây chuyền sản xuất. Trong đó, việc xây dựng chính sách giá làm sao vừa tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu đều phải đảm bảo sức cạnh tranh.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam cũng cho hay, sự chênh lệch và giá ô tô tại Việt Nam so với các nước trong khu vực chủ yếu là ở chi phí sản xuất, cỡ khoảng 20%. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố đã và đang được khắc phục để thu hẹp khoảng cách về chi phí sản xuất như: Hỗ trợ chính sách, nâng cao hiệu quả dây chuyền sản xuất, công nghệ để giảm chi phí… thì vẫn còn yếu tố năng lực, công suất (chiếm khoảng 10% chênh lệch). Các nước có sản lượng cao hơn nên có lợi thế hơn về quy mô thị trường và vấn đề này thì cần phải có thời gian chứ các doanh nghiệp không làm được gì ngoài việc nếu như chính sách tạo ra được một khung để thị trường phát triển nhanh hơn.
“Phần chênh chi phí sản xuất vẫn còn, nếu như Chính phủ có các chính sách hỗ trợ có thời hạn để làm sao phần chênh lệch chi phí đó giảm bớt đi thì sẽ khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư và sản xuất tại Việt Nam”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận