Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ áp dụng từ ngày 1/7 kỳ vọng kích cầu thị trường ô tô. Tuy nhiên, sức mua trên thị trường những ngày qua chưa có dấu hiệu tốt hơn.
Hưởng lợi kép, khách mua không tăng nhiều
Thị trường ô tô khó bùng nổ như những lần giảm phí trước bạ trước đó.
Anh Nguyễn Linh (quận Ba Đình, Hà Nội) vừa mua một chiếc xe 7 chỗ bình dân thuộc thương hiệu Nhật Bản. Anh ký hợp đồng và đặt cọc mua xe trong tháng 6 rồi chờ đến tháng 7 mới làm thủ tục đăng ký để vừa được hưởng ưu đãi của hãng đồng thời được giảm 50% lệ phí trước bạ.
“Tôi được đại lý giảm giá 50 triệu đồng theo chương trình khuyến mại tháng 6. Cộng thêm khoản hỗ trợ 50% phí trước bạ nên tổng chi phí lăn bánh xe rẻ hơn gần 100 triệu đồng”, anh Linh nói.
Thực tế, dù thị trường đã ấm hơn nhưng theo đánh giá của các đại lý ô tô, sức mua cải thiện không nhiều.
Sáng 4/7, có mặt tại đại lý ô tô Hyundai An Khánh (Hà Nội), PV chứng kiến sự vắng vẻ lạ thường. Anh Hoàng Anh, trưởng phòng kinh doanh của đại lý cho biết, lượng khách có tăng nhưng không cải thiện là bao.
Năm trước, trung bình mỗi ngày đại lý bán khoảng 15-20 xe nhưng nay mỗi ngày chỉ bán được khoảng 5-7 xe. Hầu hết khách đến đại lý thời điểm này để làm thủ tục lấy xe đã đặt cọc từ tháng trước để hưởng giá tốt đồng thời được giảm 50% lệ phí trước bạ.
Theo một nhân viên kinh doanh của đại lý Toyota tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), lượng khách tới mua xe cải thiện hơn từ nửa cuối tháng 6, sau khi ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ từ ngày 1/7.
Trong khi đó, nhân viên tư vấn bán hàng một đại lý Kia ở Hà Nội nhận xét, từ cuối tháng 6, sức mua có tăng song không nhiều.
“Khách có nhiều hơn nhưng không tăng vọt như những đợt giảm phí trước bạ trước. Phần lớn chọn phương án mua sớm, đăng ký muộn để được hưởng ưu đãi kép”, nhân viên này nói.
Tìm hiểu của PV, sản lượng sản xuất ô tô trong nước vừa qua tăng đáng kể. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp nội địa (CKD) của Việt Nam ước đạt 34.500 chiếc trong tháng 6, tăng 25% so với 27.600 chiếc của tháng 5 và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng ô tô gia tăng có thể do các hãng xe có nhận định thị trường sẽ ấm lên trong thời gian tới.
PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, để có kế hoạch kinh doanh phù hợp, hoạt động sản xuất luôn phải đón đầu chính sách, đặc biệt là những chính sách kích cầu như giảm lệ phí trước bạ. Vì vậy, sản lượng xe nội địa tăng so với trước là tất yếu.
Thị trường khó bùng nổ
Ngay sau ngày 1/7, các chương trình khuyến mại từ hãng đã có thay đổi. Một số hãng tiếp tục khuyến mại lớn cho các xe lắp ráp trong nước. Đơn cử có Honda, ưu đãi 100% lệ phí trước bạ cho mẫu CR-V. Mitsubishi cũng duy trì mức giảm tương đương 50% phí trước bạ cho 2 mẫu ô tô CKD là Outlander và Xpander MT trong tháng 7.
Cũng có hãng đã sớm giảm khuyến mại so với tháng trước, song mức điều chỉnh không quá lớn.
Nhiều đại lý Toyota và Hyundai cũng giảm nhẹ ưu đãi cho các dòng xe lắp ráp nội địa như Veloz Cross, Accent... thấp hơn tháng trước trên dưới 10 triệu đồng. Nhìn chung, tổng giá trị ưu đãi vẫn tương đương giai đoạn trước.
Theo giám đốc kinh doanh một đại lý Ford tại Hà Nội, trong giai đoạn cuối năm, giá xe có thể sẽ không giảm sâu như trước: “Sau nửa đầu năm doanh số lao dốc, các hãng chắc chắn sẽ điều chỉnh nguồn cung ứng. Đến cuối năm khi cung - cầu cân bằng hơn, sẽ khó có những chương trình khuyến mại lớn”.
Vị này nhận định, dù sức mua khá hơn nhưng nền kinh tế nói chung chưa thực sự hồi phục, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề là chỉ báo cho thị trường ô tô chưa thể sớm thoát khó khăn.
Nhân viên một số đại lý ô tô tại Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, lượng khách liên hệ mua xe lại cho thấy dấu hiệu đi xuống. Cùng đó, tháng 7 âm lịch (còn gọi là tháng ngâu) cũng sắp tới. Đây là quãng thời gian nhiều người hạn chế mua, bán những mặt hàng giá trị lớn. Vì vậy, thị trường ô tô khó có thể bùng nổ sau giảm phí trước bạ.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, chính sách hỗ trợ phí trước bạ từ Chính phủ chỉ là một yếu tố góp phần giúp ngành ô tô hồi phục. Để thị trường nhộn nhịp trở lại như nửa đầu năm 2022, cần nhiều điều kiện khác.
“Đầu tiên, nền kinh tế vĩ mô cần ổn định, kiểm soát được lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Cùng đó, việc cải thiện thu nhập của người dân, ví dụ như tăng lương cơ sở từ ngày 1/7, cũng đóng vai trò quan trọng. Khi các yếu tố này được đáp ứng, mới có thể trông đợi thị trường ô tô dần hồi phục”, ông Long nhận định.
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020 quy định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, có hiệu lực từ ngày 28/6 đến hết năm 2020.
Trong lần giảm phí trước bạ đầu tiên này, lượng ô tô du lịch bán ra 6 tháng cuối năm 2020 đạt 189.451 chiếc, tăng tới 76% so với nửa đầu năm và tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019.
Lần giảm phí trước bạ ô tô thứ hai kéo dài từ ngày 1/12/2021 - 31/5/2022. Trong 6 tháng được áp dụng, tổng doanh số ô tô toàn thị trường Việt Nam đạt hơn 223.000 chiếc, tăng 28% so với giai đoạn cùng kỳ một năm trước.
Lần giảm phí trước bạ thứ ba cho xe CKD kéo dài từ ngày 1/7 - 31/12.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận