Nhà máy được General Motors đầu tư sẽ chuyên sản xuất phương tiện thể thao đa dụng và xe tải chạy hoàn toàn bằng điện. Đây được coi là bước đi nhằm thực hiện lời hứa quan trọng mà tập đoàn này đưa ra trong các cuộc đàm phán với công đoàn năm ngoái, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng cạnh tranh để đi đầu trong ngành phát triển ô tô tự lái trên thế giới.
Khoản đầu tư “khủng”
Khoản đầu tư sẽ được rót vào các quỹ nâng cấp như máy móc và thiết bị mới của khu vực lắp ráp chung, khu vực sản xuất thân và sơn xe ở Hamtramck, thuộc TP Detroit. Ban đầu, đáng lẽ nhà máy này phải đóng cửa trong tháng này nhưng được thay đổi trong thoả thuận vừa đạt được hồi tháng 10 nhằm chấm dứt cuộc biểu tình dài hơi nhất trong nửa thập kỷ trở lại của GM.
Theo thoả thuận, GM cam kết chi 3 tỷ USD vào hoạt động cải tổ nhà máy Hamtramck, trong đó, số tiền 2,2 tỷ USD được dùng để đầu tư vào nâng cấp và 800 triệu USD dành cho các nhà cung cấp máy móc cùng các dự án liên quan. GM đã và đang chế tạo hơn 4 triệu ô tô tại Detroit-Hamtramck kể từ khi mở cửa vào năm 1985. Các dòng xe Cadillac CT6 và Chevrolet Impala cũng được sản xuất tại nhà máy này, sẽ bị tạm dừng sản xuất trong vài tháng, bắt đầu từ cuối tháng 2 để phục vụ nâng cấp.
Khi đi vào hoạt động toàn diện, nhà máy sẽ tuyển hơn 2.200 nhân viên, dự kiến bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2021 đối với xe tải nhẹ chạy hoàn toàn bằng điện, sau đó là xe 6 chỗ Cruise Origin vừa được công bố tuần trước với kỳ vọng sử dụng làm taxi tự lái. Dịch vụ này hoạt động tương tự như cách dùng dịch vụ gọi xe Uber và Lyft, trong đó người dân có thể đặt một chuyến xe qua điện thoại thông minh và một chiếc Origin sẽ tự đón họ và trả đến điểm cần tới.
Nhà phân tích ngành công nghiệp ô tô, đồng chủ trì chương trình The Autonocast, ông Ed Niedermeyer cho biết, khoản đầu tư của GM vào xe tự lái là rất lớn bởi công ty này cam kết với hoạt động kinh doanh chia sẻ xe. “Tôi nghĩ hoạt động chia sẻ xe thực sự rút ngắn khoảng cách từng rất xa vời giữa xe điện cá nhân và phương tiện vận tải công cộng”, ông Niedermeyer cho biết.
Triển vọng xe tự lái trên thế giới
Khoản đầu tư của tập đoàn xe hơi Mỹ là ví dụ điển hình cho xu hướng hàng loạt nhà sản xuất hàng đầu cùng một số nhà sản xuất khởi nghiệp và nhiều công ty công nghệ cạnh tranh, giành thị phần trên thị trường ô tô điện đang ngày càng phát triển cũng như chuẩn bị trước cho tương lai xe điện tự lái. Chẳng hạn, dòng Cruise Origin của GM đang cạnh tranh gay gắt với Uber và Waymo (công ty con của tập đoàn mẹ Alphabet vốn sở hữu Google).
Nhận định vấn đề khó khăn nhất mà các công ty đang gặp phải trên chặng đường phát triển xe tự lái, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp chia sẻ xe Argo, ông Bryan Salesky cho biết: Để chế tạo ô tô tự lái có khả năng nhìn và xác định vật thể trên đường thì khá dễ dàng với sự kết hợp của radar, camera và hệ thống lidar (một loại radar sử dụng laser) cũng như phần mềm và năng lực máy tính để phân tích hình ảnh và dữ liệu. Tuy nhiên, việc khó khăn nhất đó là chuẩn bị cho ô tô tự lái khả năng đối phó với các trường hợp bất ngờ, chẳng hạn như nếu gặp người đi bộ băng qua đường bất chấp đang có đèn xanh dành cho ô tô, những chiếc xe tự lái sẽ xử lý như thế nào. Mặc dù các nhà nghiên cứu cho rằng, đây chỉ là những trường hợp hiếm nhưng trên thực tế, đây là tình huống thường xuyên diễn ra.
“Nếu bạn lái xe 20 giờ/ngày, bạn sẽ thường xuyên chứng kiến những cảnh tượng đó”, ông Salesky khẳng định. Mặt khác, “nếu ô tô tự lái được trang bị công nghệ đến mức quá cẩn trọng, nó sẽ khiến người dùng cảm thấy phiền toái”, ông Huei Peng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xe tự lái Mcity thuộc Đại học Michigan nói thêm.
Vì những khó khăn đó, bà Alisyn Malek, Giám đốc điều hành Công ty May Mobility - đơn vị đang vận hành 25 xe buýt tự lái tốc độ thấp cho rằng: “Sẽ phải mất nhiều năm nữa, có thể là một thập kỷ hoặc hơn để phát triển ô tô tự lái có thể đi bất cứ đâu, bất cứ lúc nào”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận