Xe vài trăm triệu cũng có ADAS
Những tính năng hỗ trợ lái nâng cao (Advanced Driver Assistance System - ADAS) như kiểm soát hành trình thích ứng, hỗ trợ giữ làn, đỗ xe tự động hay phanh tự động khẩn cấp từ lâu đã có mặt trên một số mẫu xe bán ở Việt Nam như Ford Focus 2016, Ford Ranger 2016, Mazda CX-5 2018, hay Mazda3 2019.
Tuy nhiên, ADAS thực sự trở thành xu hướng từ năm 2020, khi nhiều hãng liên tục ra mắt các gói an toàn trên những dòng sản phẩm mới.
Cụ thể, Honda lần đầu giới thiệu gói Honda Sensing trên mẫu CR-V 2020. Cùng ra mắt năm 2020, Corolla Cross là mẫu xe Toyota đầu tiên tại Việt Nam có gói Toyota Safety Sense. Cũng trong giai đoạn này, Mitsubishi đưa gói an toàn e-Assist lên phiên bản cao nhất của Outlander.
Kia gia nhập cuộc đua trang bị an toàn với gói ADAS trên mẫu SUV 7 chỗ Kia Sorento, còn Hyundai giới thiệu gói SmartSense cùng mẫu SantaFe 2021.
Cùng với i-Activsense của Mazda hay EyeSight của Subaru, hầu hết hãng ô tô tại Việt Nam hiện đều đã có gói hỗ trợ lái nâng cao. Trong khi đó, với các thương hiệu hạng sang như Volvo, BMW hay Mercedes-Benz, những tính năng an toàn kể trên từ lâu đã trở thành trang bị tiêu chuẩn trên nhiều mẫu xe.
Đến nay, ADAS dần trở thành tiêu chuẩn mới về an toàn của phần lớn phân khúc ô tô, cũng như là một yếu tố được nhiều hãng xe tập trung nhấn mạnh khi giới thiệu sản phẩm mới.
Cuộc đua trang bị gói hỗ trợ lái nâng cao sôi động những năm gần đây giúp cả các mẫu xe cỡ nhỏ, giá chỉ từ vài trăm triệu đồng cũng có một số tính năng ADAS. Tiêu biểu như Hyundai Creta, Toyota Veloz Cross, Mazda2, Toyota Vios, Honda City, Honda HR-V...
Không chỉ bảo vệ hành khách trên ô tô
Tùy từng hãng và tầm giá tiền mà gói ADAS trên các mẫu ô tô hiện nay có số lượng tính năng nhiều, ít khác nhau.
Những tính năng phổ biến, xuất hiện trong đa số gói hỗ trợ lái nâng cao của các hãng gồm kiểm soát hành trình thích ứng, cảnh báo chệch làn, hỗ trợ giữ làn, đèn pha thích ứng, cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau, phanh tự động khẩn cấp...
Theo PGS.TS Lý Hùng Anh, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), chuyên gia người Việt duy nhất trong Hội đồng Kỹ thuật ASEAN NCAP cho biết, về cơ bản, ADAS được trang bị cho xe để nâng cao tính năng an toàn cho người ngồi trong xe và cả người tham gia giao thông xung quanh xe đó. Đặc biệt là người đi bộ và người đi xe máy.
“Xu hướng hiện giờ là vậy vì những tiêu chuẩn bắt buộc chắc chắn càng ngày càng nâng lên. Việc các hãng đẩy mạnh đưa ADAS lên các mẫu xe giá rẻ xuất phát từ yếu tố cạnh tranh với nhau”, PGS.TS. Lý Hùng Anh nhận định.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, ADAS còn có thể hỗ trợ người lái trong những tình huống khẩn cấp, giúp người lái giảm sức lao động, đi đường dài đỡ mệt mỏi và giảm thiểu nguy cơ tai nạn khi người lái vô tình sao nhãng, mất tập trung.
Ông Phúc nhận định, các hãng xe phải bỏ ra rất nhiều tiền để nghiên cứu các công nghệ của hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao. Để thu hồi vốn và có lợi nhuận, đầu tiên chiến lược phải đưa các công nghệ này lên những mẫu xe đắt tiền.
Khi đã thu hồi một phần vốn đầu tư, họ sẽ bắt đầu trang bị cho những dòng xe giá rẻ để đáp ứng nhu cầu sử dụng bởi người mua ô tô bao giờ cũng muốn một chiếc xe an toàn hơn.
Điều này nâng cao tính năng an toàn, đồng thời tăng tính cạnh tranh của các dòng xe với nhau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận