Điểm đỗ xe trên đường Nguyễn Công Hoan |
Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ Hà Nội vừa trình UBND TP Hà Nội Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác điểm đỗ. Khi được triển khai, mạng lưới điểm đỗ sẽ được số hóa và thu phí tự động, kỳ vọng sẽ chống thất thoát, tiêu cực...
Số hóa toàn mạng lưới điểm đỗ
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ Hà Nội, nếu được thành phố chấp thuận, doanh nghiệp này sẽ tiến hành xây dựng bản đồ số các điểm trông giữ phương tiện trên toàn địa bàn. Khi đó, các điểm đỗ sẽ được lắp đặt cảm biến, trang thiết bị ghi hình, biển báo tại các điểm trông giữ xe; thiết lập phần mềm quản lý, kiểm soát mạng lưới, chia sẻ thông tin đến khách hàng trước khi triển khai thực tế.
“Việc trông giữ phương tiện trên địa bàn Hà Nội hiện nay còn khá lộn xộn, mạnh chỗ nào chỗ ấy làm, mỗi nơi mỗi giá. Thực trạng này vừa khiến cơ quan quản lý đau đầu, vừa khiến người dân phải chịu thiệt thòi về giá, phí, khó khăn khi tìm kiếm chỗ đỗ, gửi xe”, ông Phạm Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ Hà Nội nói.
Cũng theo ông Đức, khi xây dựng bản đồ số hóa các điểm trông giữ xe, tính thời gian, thu phí bằng máy móc sẽ giúp minh bạch, thuận lợi trong quản lý. Người dân cũng sẽ dễ dàng tìm kiếm điểm đỗ xe trên lộ trình của mình, hạn chế tối đa lượng xe cộ đi lòng vòng tìm nơi gửi, góp phần kéo giảm áp lực giao thông trong nội đô TP.
“Một khi xây dựng được bản đồ số điểm trông giữ xe, chúng tôi sẽ đưa toàn bộ thông tin lên internet thông qua phần mềm tiện ích tương ứng. Chủ phương tiện có thể sử dụng các thiết bị thông minh như: Điện thoại, máy tính bảng… tìm kiếm điểm đỗ và đặt chỗ trước. Tại các điểm đỗ, chúng tôi trang bị hệ thống biển báo điện tử, hiển thị thông tin về vị trí đỗ xe hết hay còn, đáp ứng loại xe kích thước ra sao để phục vụ khách vãng lai từ xa tới hoặc không sử dụng thiết bị thông minh”, ông Đức chia sẻ thêm.
Ngoài ra, các cảm biến được lắp đặt dưới mặt đường hoặc trong các gờ giảm tốc sẽ tự nhận dạng kích thước xe, thời gian ra vào, tính thành tiền. Nhân viên trông giữ xe thu tiền theo thông tin hiển thị trên máy, đảm bảo xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng không minh bạch, chống thất thoát trong thu phí.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, UBND TP Hà Nội chỉ mới chấp thuận cho DN này thí điểm ứng dụng tại hai vị trí là khuôn viên điểm đỗ xe công cộng Trần Nhật Duật hoặc Nguyễn Công Hoan và điểm đỗ xe trên hè đường phố Trần Hưng Đạo (đoạn từ Phan Chu Trinh - Ngô Quyền).
Vẫn băn khoăn về công nghệ và cơ chế
Ủng hộ đề xuất nói trên, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho rằng, việc gia tăng số lượng phương tiện giao thông dẫn đến các bến, điểm đỗ xe công cộng ngày càng mở rộng về cả số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, các điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân.
“Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như: Kỹ thuật định vị, nhận diện chỗ đỗ xe, trạm thu phí tự động trong quản lý điều hành hoạt động tại các bãi đỗ xe là hợp lý, góp phần từng bước xây dựng, phát triển hệ thống giao thông thông minh, tích hợp toàn bộ các đối tượng, dịch vụ giao thông thành một thể thống nhất, kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa người sử dụng, phương tiện, đường giao thông, bến đỗ xe… bảo đảm ATGT, cải thiện chất lượng môi trường và tăng hiệu suất sử dụng giao thông đô thị”, ông Tứ khẳng định.
Liên quan đến đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác điểm đỗ của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ Hà Nội, phía Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, nhà đầu tư lựa chọn nghiên cứu công nghệ thiết bị mà Philippines đang sử dụng, nhưng chưa nêu rõ được ưu nhược điểm của mô hình này.
“Các mô hình đề xuất áp dụng mới nêu ưu điểm mà chưa trình bày nhược điểm là chưa khách quan”, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nói và cho biết thêm: Mô hình tại Philippines vẫn cần nhân viên thu phí, tức là vẫn thủ công, chưa phải tự động. Hơn nữa, đường, vỉa hè tại Việt Nam thường xuyên phải trùng tu sửa chữa mà vẫn lựa chọn phương án cho cảm biến là chưa thuyết phục.
“Cần rà soát, nghiên cứu lại tiêu chí lựa chọn công nghệ, thiết bị cho phù hợp hơn. Công nghệ thu phí đề xuất chưa tạo ra sự khác biệt lớn”, vị đại diện chốt lại.
Về cơ chế chính sách, trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia giao thông đô thị cho biết, ngay cả khi việc thí điểm thành công, vẫn cần một cơ chế chính sách tổng thể mới có thể nhân rộng mô hình này.
“Hiện, các điểm đỗ xe chỉ được cấp phép từ 3 - 6 tháng, trong khi đó để đầu tư vào một điểm đỗ theo công nghệ mới phải mất 50 - 60 triệu đồng, chưa kể chi phí thuê mặt bằng. Nếu không được cấp phép sử dụng, hoạt động ổn định, nhà đầu tư sẽ khó lòng thu hồi đủ vốn đầu tư cho đề án”, vị này nói và cho biết thêm: Hiện chưa có một đơn vị nào đứng ra quản lý chung các điểm đỗ xe. Có nơi do Sở GTVT cấp phép, có nơi lại do địa phương cấp phép. Muốn xây dựng bản đồ số hóa thì buộc lòng phải quy tất cả về một mối, do một đơn vị quản lý, thu thập thông tin, dữ liệu.
Ngoài ra, muốn thực hiện công nghệ tự động hóa này một cách hiệu quả, rất cần mỗi chủ phương tiện, lái xe phải có tài khoản ngân hàng riêng. Nhà đầu tư cũng cần phải có một ngân hàng hỗ trợ để tính phí, trừ tiền trực tiếp trên tài khoản của khách…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận