Lốp xe
Khi đề cập đến tác động môi trường của ô tô, mọi người thường nghĩ là ô nhiễm khí thải thoát ra từ ống xả. Tuy nhiên, lốp xe cũng là một yếu tố gây ô nhiễm đáng kể.
Lốp xe bị mài mòn theo thời gian, cứ sau mỗi vòng quay chúng lại sinh ra các hạt nhỏ. Những mảnh nhỏ nhất trong số này bay vào không khí hoặc trôi dạt trên đường rồi bị nước mưa cuốn ra sông, hồ, đại dương.
Công ty Emissions Analytics có trụ sở tại Anh, đã thực hiện các thử nghiệm độc lập trên ô tô, bao gồm cả lượng khí thải từ ống xả và lốp xe. Công ty này tổng hợp dữ liệu và xác nhận, ô nhiễm hạt từ lốp xe đã vượt qua cả lượng khí thải từ ống xả.
Theo một báo cáo được chia sẻ bởi Emissions Analytics, trung bình một chiếc ô tô giảm 4 kg trọng lượng hạt lốp mỗi năm. Nếu được nhân lên trên toàn cầu, chúng tương đương với 6 triệu tấn hạt lốp xe hàng năm.
Ông Nick Molden, người sáng lập kiêm CEO của công ty Emissions Analytics cho biết, với nhiều loại ô nhiễm khác, có thể hạn chế bằng cách sử dụng một số loại bộ lọc hoặc chất xúc tác. Nhưng lốp xe về cơ bản là một hệ thống mở và không thể sử dụng các biện pháp hạn chế ô nhiễm.
Ông Molden nhấn mạnh: "Mỗi năm lượng khí thải từ ống xả ngày càng thấp hơn trong khi lượng khí thải từ lốp xe lại tăng vì ô tô ngày càng nặng hơn".
Ô nhiễm hạt lốp xe có hai tác động tiêu cực đối với "sức khỏe" môi trường. Các hạt này đã trôi vào các dòng nước và được coi là một nguồn vi nhựa đáng kể trong đại dương. Ngoài ra, lốp xe có chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Bụi phanh ô tô
Cùng với lốp xe, bụi phanh là tác nhân gây ô nhiễm môi trường không kém khí thải động cơ. Theo báo cáo của Trường Imperial College London (ICL) ước tính trong năm 2022 tại Anh, 52% hạt bụi nhỏ gây ra bởi phương tiện giao thông đường bộ đến từ lốp xe và bụi phanh.
Tùy vào loại vật liệu của má/đĩa phanh, bụi phanh có thể chứa các hạt sắt, thép, đồng, carbon, than chì, thủy tinh và các hợp chất khác.
Có thể nhận biết bụi phanh bằng mắt thường qua màng bụi màu xám đen hoặc hơi đỏ trên vành của bánh xe, trên các bộ phận của cụm phanh. Bụi phanh có độ mịn như bột, khi con người hít phải dễ dẫn tới tình trạng nguy hiểm về sức khỏe.
Loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là một yếu tố cần thiết để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tuy nhiên cũng cần lưu ý tới sự phát thải từ lốp xe và má phanh ngày càng trầm trọng.
Ở cấp độ cá nhân, người điều khiển xe cần tránh tăng tốc nhanh và dừng đột ngột để giảm nguy cơ mòn lốp, mòn má phanh. Lái xe cũng nên sử dụng tối đa tuổi thọ của lốp xe bởi những chiếc lốp mới thường thải ra gấp đôi lượng hạt trong vài nghìn km đầu tiên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận