Hertz khai trương dịch vụ bằng xe bán tải
Ngày 15/2, City Auto - nhà phân phối lớn nhất của Ford Việt Nam ký hợp đồng bán 38 xe Ford Ranger XLS AT 4x4 cho Công ty Hertz Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Tổng giám đốc City Auto tiết lộ, City Auto sẽ hợp tác toàn diện về cung cấp xe cho Hertz Việt Nam trong thời gian tới, dự kiến trong năm 2024 số lượng khoảng 200 xe.
Sự kiện Hertz bắt đầu cung ứng dịch vụ sau 5 năm mở chi nhánh nhượng quyền tại Việt Nam là mốc quan trọng, khi thị trường cho thuê xe của Việt Nam còn sơ khai và chưa có hãng cho thuê xe nào đủ tầm.
Cuối tháng 8/2019, Hertz gia nhập thị trường Việt Nam thông qua đối tác nhượng quyền là Công ty New City Rent A Car, địa bàn hoạt động trước tiên là TP. Hồ Chí Minh và dự kiến mở rộng dịch vụ ra Hà Nội cuối năm 2020.
Thời điểm đó, Hertz công bố mang đến nhiều dịch vụ thuê xe chất lượng cao tại thị trường Việt Nam, tiêu biểu như dịch vụ Hertz Chauffeur Drive.
Hertz Chauffeur Drive là dịch vụ cho thuê xe kèm tài xế riêng, phù hợp cho các nhu cầu đưa đón tại sân bay với thời hạn linh hoạt.
Gia nhập thị trường, Hertz Việt Nam mang đến giải pháp để đáp ứng mọi nhu cầu về đưa đón di chuyển cho doanh nghiệp một cách thuận tiện, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn và các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Hertz từng nộp đơn xin phá sản tại Mỹ
Kế hoạch kinh doanh của Hertz ở Việt Nam bị trì hoãn suốt 5 năm qua, một phần là bởi Hertz suýt bị vỡ nợ, từng phải nộp đơn xin phá sản tại Mỹ năm 2020 do khủng hoảng nặng bởi Covid-19.
Với gần 19 tỷ USD nợ và 38.000 nhân viên trên toàn cầu tính đến cuối năm 2020, Hertz là một trong những công ty lớn nhất Mỹ thời điểm đó phải nộp đơn phá sản vì đại dịch, theo CNN.
Tập đoàn Hertz thuộc Hertz Global Holdings, Inc., là chủ sở hữu thương hiệu cho thuê xe Hertz với 10.200 chi nhánh trên toàn cầu từ Bắc Mỹ, Châu Âu, Caribê, Mỹ Latinh, Châu Phi, Trung Đông, Châu Á, Úc đến New Zealand.
Thành lập từ năm 1918, trải qua hơn trăm năm kinh nghiệm, tính đến cuối năm 2018 hãng có đội xe hơn 500.000 chiếc, trở thành công ty cho thuê xe hàng đầu thế giới.
Phần lớn doanh thu của Hertz đến từ việc cho thuê xe tại sân bay. Tuy nhiên, nhu cầu này đã về con số không, do hạn chế đi lại bằng máy bay thời kỳ đại dịch.
Hertz trước đó đã kiên trì đàm phán nhiều vòng với các chủ nợ về việc lùi thời hạn chót thanh toán món nợ 19 tỷ USD vào cuối tháng 4/2020.
Thỏa thuận sau đó được lùi sang ngày 22/5/2020, tuy nhiên đến hạn chót, hãng đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản do không tìm được nguồn tiền.
Hôm 22/5/2020, Hertz Global Holdings nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại một tòa án ở Delaware (Mỹ), nguyên nhân được cho là bởi tác động của Covid-19 ập đến quá mạnh và đột ngột, khiến doanh thu và lượng đặt xe của công ty lao dốc.
Nhằm xoa dịu các chủ nợ, Hertz đã đề xuất bán thanh lý 30.000 xe một tháng cho đến cuối năm 2020, kỳ vọng thu về số tiền 5 tỷ USD để trang trải nợ.
Sau quá trình bán tài sản và tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ kéo dài 4 năm, Hertz dần hồi phục từ năm 2022 và đang nỗ lực kích hoạt lại dịch vụ ở quy mô toàn cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận