Mercedes-Benz hợp tác với một đối tác công nghệ có tên là Primobius mở một nhà máy tái chế pin xe điện ở miền nam nước Đức. Như vậy, Mercedes-Benz trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên trên thế giới khép kín vòng tuần hoàn sản xuất - tái chế pin bằng cơ sở nội bộ.
Mercedes cho biết, cơ sở này sẽ xử lý đủ vật liệu tái chế để sản xuất ít nhất 50.000 mô-đun pin mới mỗi năm. Một chiếc xe Mercedes EQE sedan cần 10 mô-đun pin nên với công suất của nhà máy tái chế này có thể tạo ra đủ vật liệu để sản xuất pin mới cho 5.000 xe EQE sedan.
Nhà máy này là nhà máy đầu tiên ở châu Âu sử dụng quy trình tái chế cơ học thủy luyện kim, mà theo Mercedes cho biết, cơ chế này sẽ sử dụng ít năng lượng hơn và tạo ra ít chất thải hơn so với phương pháp luyện kim nhiệt.
Tái chế pin xe điện vẫn là một ngành công nghiệp ngách và là một phần mới của chuỗi cung ứng pin xe điện. Nhưng ngành này sẽ tăng trưởng đáng kể khi ngày càng nhiều pin xe điện hết hạn sử dụng và nhu cầu về vật liệu pin tăng lên.
Bằng cách tái chế pin cũ, các nhà sản xuất ô tô có thể giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng pin hiện có. Họ cũng có thể tránh khai thác thêm lithium, coban và niken, từ đó sẽ làm giảm tác động của chúng đối với môi trường.
Các vật liệu quan trọng tạo nên pin EV có khả năng tái chế cao. Mercedes cho biết, quy trình của họ sẽ thu hồi được 96% nguyên liệu thô trong pin tái chế.
Các nhà sản xuất ô tô khác cũng đã tham gia vào ngành công nghiệp này. BMW gần đây đã ký một thỏa thuận với Redwood Materials, một công ty tái chế pin có trụ sở tại Nevada, để xử lý pin cũ từ BMW, Mini và Rolls-Royce. Volkswagen và Ford cũng đã thực hiện các thỏa thuận tương tự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận