Vụ việc bé 5 tuổi tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường mầm non Hồng Nhung (xã Phú Xuân, TP Thái Bình) xảy ra khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Không chỉ ở Việt Nam mà việc trẻ em bị bỏ quên trên xe, dẫn đến tử vong cũng đã xảy ra và trở thành vấn nạn ở nhiều quốc gia, đòi hỏi cần có biện pháp để phòng tránh, giảm thiểu.
Để tìm giải pháp, một số hãng xe cũng đã nghiên cứu các công nghệ nhằm nhắc nhở lái xe, tránh bỏ quên trẻ em ở trên xe.
Như hãng xe Hyundai đã phát triển công nghệ hỗ trợ phòng tránh quên trẻ em hàng ghế sau (ROA). Tại thị trường Việt Nam, Hyundai Palisade, Custin đã được áp dụng công nghệ này.
Nguyên lý hoạt động của công nghệ này tương đối đơn giản. Hệ thống sẽ ghi nhớ, nếu các cánh cửa sau bị mở hoặc đóng trước khi xe khởi động, kết hợp với cảm biến siêu âm phát hiện chuyển động ở hàng ghế sau. Nếu phát hiện có người hoặc vật nuôi còn ở hàng ghế sau khi chủ xe đã ra khỏi xe và khoá cửa, hệ thống sẽ tự động bấm còi và gửi cảnh báo đến điện thoại.
Volvo cũng trang bị hệ thống radar trên xe với công nghệ cảm biến phát hiện người ngồi trong xe. Hệ thống sẽ quét khoang xe để tránh trường hợp trẻ nhỏ hay thậm chí thú cưng bị bỏ lại.
Hay tại sự kiện CES 2023, VinFast tuyên bố sẽ tích hợp công nghệ cảm biến radar dựng hình ảnh 4D của Vayyar vào hai mẫu SUV điện VF 6 và VF 7. Thiết bị sẽ thực hiện định dạng và phân loại dữ liệu hình ảnh, giúp nhận dạng người ngồi trên mỗi ghế, phát hiện và kích hoạt báo động nếu một hoặc nhiều trẻ bị bỏ quên trên xe.
Hai mẫu xe điện của VinFast đã được bán tại Việt Nam song công nghệ này vẫn chưa xuất hiện. Nhưng VinFast cho biết các tính năng nâng cao sẽ tiếp tục được cập nhật.
Tại Mỹ hiện nay, xe buýt chở học sinh ngoài phải đáp ứng các quy chuẩn khắt khe còn phải có camera giám sát trong xe. Thêm vào đó, quan trọng hơn cả là hệ thống xác nhận không có học sinh bị bỏ sót trong xe (NSLBS). Hệ thống này yêu cầu các lái xe mỗi lần tắt máy buộc phải di chuyển tới cuối xe để bấm nút xác nhận, qua đó có thể kiểm tra từng hàng ghế để chắc chắn không có học sinh nào sót lại.
Còn ở Việt Nam, thời gian tới, các loại xe đưa đón học sinh chắc chắn sẽ an toàn hơn khi dự thảo Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (QCVN 09:2015/BGTVT) được thông qua. Trong đó, Bộ GTVT đề xuất quy định riêng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe chở học sinh.
Theo đó, phương tiện phải được thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và cạnh 2 bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học. Xe phải có biển hiệu, có biển báo hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt khi xe đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh. Đồng thời, được trang bị thiết bị giới hạn tốc độ không vượt quá 80km/h.
Ghế ngồi phải được trang bị loại dây đai an toàn hai điểm; Được lắp đặt trên xe ít nhất một bộ sơ cứu, trang bị bình chữa cháy; Có camera bên ngoài để giám sát tình trạng phía ngoài cửa lên xuống.
Dự thảo còn quy định, xe phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong và hệ thống camera giám sát bên trong để giám sát hành vi của lái xe, hành vi của giám hộ học sinh và hành vi của học sinh trên xe; Có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe, thời gian không quá 15 phút.
Hy vọng, các công nghệ, quy định mới sẽ sớm được thực hiện trên xe đưa đón học sinh ở Việt Nam để không còn những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận