7 hành vi dịch vụ của tài xế taxi Xanh SM
Ngày 27/3, tại hội trường trong TTTM Vincom Mega Mall (khu đô thị Vinhomes Ocean Park, xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội), PV Báo Giao thông chứng kiến buổi đào tạo dành cho khoảng 250 người tham gia lớp tài xế taxi điện đầu tiên của thương hiệu taxi Xanh SM (nhận diện thương hiệu taxi điện của hãng GSM).
Khóa đào tạo tài xế taxi điện đầu tiên của hãng GSM diễn ra hôm 27/3 tại Vincom Mega Mall. Ảnh: Lam Anh
Theo chương trình đào tạo, tài xế được tập huấn về 7 hành vi dịch vụ cốt lõi của tài xế Xanh SM, bao gồm: Tươi cười chào khách và xác nhận điểm đến; Giới thiệu bản thân và thông báo bắt đầu di chuyển; Trò chuyện và tạo cảm giác thân thiện, hỏi về nhiệt độ âm nhạc và xe điện VinFast; Giới thiệu các đặc điểm nổi trội của xe điện VinFast một cách hào hứng; Hướng dẫn khách hàng quét QR code để nhân viên kinh doanh VinFast liên hệ tư vấn sản phẩm; Xác nhận số tiền và hình thức thanh toán của khách hàng; Chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Trong khuôn khổ buổi tập huấn, các tài xế được hướng dẫn tải một ứng dụng riêng dành cho tài xế, giúp nhận cuốc khách và kết thúc chuyến đi trên ứng dụng, thanh toán trực tuyến theo yêu cầu.
Một thông tin đáng chú ý được nêu trong buổi tập huấn là các tài xế phải đặt cọc trách nhiệm 8 triệu đồng, số tiền được cho là ràng buộc giữa lái xe và hãng về cam kết làm việc.
Cách đây 2 tuần, Công ty GSM loan tin tuyển tài xế taxi lương cao, mức thu nhập trung bình được công bố khoảng 11 triệu đồng/tháng, phương tiện là taxi điện VinFast do hãng cung cấp.
Thông tin này thu hút sự chú ý của giới tài xế, thậm chí có lái xe taxi đã làm việc nhiều năm cho các hãng taxi “gắn mào” - loại hình taxi truyền thống đặt xe qua điện thoại - cũng quan tâm bởi mức thu nhập được cho là hấp dẫn, trong bối cảnh nhu cầu đi lại giảm từ đầu năm đến nay.
Cước phí 20.000 đồng cho kilomet đầu tiên
Taxi Xanh SM sử dụng 2 dòng xe điện là VinFast e34 và VF5 Plus cho dịch vụ taxi tiêu chuẩn và VinFast VF8 cho loại hình cao cấp.
Theo tiết lộ từ một người dự lớp đào tạo, GSM đã hoàn tất việc xây dựng giá cước cho người dùng sử dụng dịch vụ taxi điện.
Mức giá này không phải để tham khảo mà đã thành phương án chốt của hãng, niêm yết trên kính lái.
Bảng giá cước dịch vụ của taxi Xanh SM được một tài xế cung cấp cho PV Xe Giao thông. Ảnh: Lam Anh
Cụ thể, hãng xe này chào giá mở cửa 20.000 đồng cho cây số đầu tiên. Từ kilomet tiếp theo đến kilomet thứ 25, giá cước là 15.500 đồng/km và giảm xuống 12.500 đồng/km áp dụng cho kilomet thứ 26 trở đi.
So với giá mở cửa của taxi Mai Linh là 11.000 đồng/km; các kilomet tiếp theo là 15.100 đồng/km; từ kilomet 30 trở đi còn 12.000 đồng/km.
Với taxi Vinasun, các con số tương ứng là 11.000 đồng/km, 17.600 đồng/km và 14.500 đồng/km…
So sánh thì thấy mức cước của taxi điện GSM đắt hơn gấp đôi ở giá mở cửa và cây số đầu tiên, nhưng tương đương taxi truyền thống ở các cự ly tiếp theo.
Trước đó, hôm 14/3, một bản chào giá từ Công ty GSM gửi đối tác hãng taxi, hé lộ mức giá cho thuê xe ô tô điện VinFast.
Theo bản chào giá, mức giá cho thuê ô tô điện tính theo ngày sẽ vào khoảng 480 nghìn đồng/ngày (xe VF5), 580 nghìn đồng/ngày (xe VFe34) và 940 nghìn đồng/ngày (xe VF8 bản Eco).
Đại bản doanh của taxi Xanh SM đặt tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park (xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Lam Anh
Mức giá này đặt trong điều kiện giả định là lái xe taxi đi khoảng 4.500km/tháng (khoảng 150km/ngày, là quãng đường thực tế do lái xe taxi cung cấp), phụ trội 2.000 km mỗi tháng so với hạn mức mà GSM đề ra.
Việc cùng lúc tung ra 3 phương thức kinh doanh vận tải đô thị bằng xe điện (tự cung cấp dịch vụ, cho cá nhân thuê xe và cho hãng taxi thuê xe), VinFast đang kỳ vọng phủ xanh thị trường taxi, khiến 200 hãng taxi truyền thống bối rối.
“Trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô thế giới, hiện tượng nhà sản xuất tự đứng ra làm kinh doanh vận tải bằng xe do mình làm ra, đến nay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay”, một chuyên gia ô tô bình luận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận