Không ít chiêu trò được bên rao bán qua mạng sử dụng để đẩy giá hoặc giấu diếm những khiếm khuyết của chiếc xe - Ảnh minh họa |
Bên cạnh những sản phẩm tiêu dùng thông thường, ô tô-xe máy cũ cũng là một mặt hàng thường trực được rao bán trên những trang điện tử (website) gồm cả có phép và không có giấy phép. Tuy nhiên, phương thức hỗ trợ mua bán này vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà không phải người mua nào cũng biết.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Không mất nhiều thời gian tìm kiếm trên mạng với từ khóa “bán xe cũ” hoặc “bán xe đã qua sử dụng”, sẽ có hơn 6 triệu kết quả thu được, mà trong đó có rất nhiều trang đăng quảng cáo bán xe chuyên nghiệp có thu phí đăng tin như chotot.vn, bonbanh.com hay choxe.net,… Tuy nhiên, đại đa số các trang rao bán xe trên mạng đều không có giấy phép phát hành tin theo quy định pháp luật, chỉ một số ít có đính biểu tượng kèm dòng chữ “Đã đăng ký với Bộ Công thương”.
Không thể phủ nhận lợi ích và tác dụng mà những “chợ xe điện tử” mang lại cho người tiêu dùng, bởi chỉ cần ngồi một nơi, người có nhu cầu mua xe có thể khoanh vùng được những chiếc xe phù hợp trước khi liên hệ để xem xe trực tiếp. Trong khi đó, bên cần bán cũng chỉ mất một chút phí là có thể quảng bá chiếc xe của mình tới đông đảo những người đang có nhu cầu sở hữu xe đã qua sử dụng.
Tuy nhiên, dù mới chỉ là bản tin quảng cáo và quá trình mua bán vẫn phải tiến hành trực tiếp, nhưng việc tìm và liên hệ mua xe qua mạng chưa hẳn đã an toàn, phương thức hỗ trợ mua bán này vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà không phải người nào cũng biết.
Đánh vào tâm lý sở hữu xe càng nhanh càng tốt của những người đang có nhu cầu thực sự, không ít “cò xe” đã lợi dụng đăng tin bán xe không đúng sự thật để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc vô tình biến thành “gà” và bị “cò xe” sử dụng chiêu trò “chăn dắt”.
Chiêu trò đẩy giá
Trong vai một người đang có nhu cầu tìm mua nhanh một chiếc Mazda3 cũ, phóng viên Báo Giao thông ghi nhận không ít chiêu trò mà bên rao bán sử dụng để đẩy giá hoặc giấu diếm những khiếm khuyết của chiếc xe trong thương vụ.
Bên bán, nhất là những thợ buôn xe chuyên nghiệp, luôn dùng những lời có cánh “ru ngủ” người mua vừa để lăng xê sản phẩm, vừa để đánh giá mức độ am hiểu của đối phương, từ đó “tung chiêu” thích hợp hoàn thiện thương vụ nhanh và có lợi nhiều nhất.
Những chiếc xe cũ nếu được bán từ “cò xe” thường có giá cao hơn so với giá trị thật. Ngoài ra, nhiều trường hợp người mua không tinh ý mua phải những chiếc xe bị chuyển vùng từ các tỉnh vào Hà Nội và TP HCM, hai thành phố có chi phí đăng ký biển số cao hơn so với các nơi khác. Có thể chiếc xe vẫn đảm bảo chất lượng, nhưng việc chuyển hồ sơ gốc sẽ khiến người mua mất thêm khá nhiều tiền.
Một chiêu trò khác cũng hay được các cò xe sử dụng đó là câu kết với nhau để “quay” khách mua, tạo thị trường ảo, từ đó đẩy giá xe lên. Tuy nhiên, cách thức này có mức độ thiệt hại chưa thể so được với chiêu thức phục hồi xe tai nạn và bán ra như xe bình thường. Trường hợp này, bên bán thường hay hẹn bên mua đến xem và thực hiện giao dịch vào buổi tối, thời điểm rất khó để mắt thường có thể nhận biết được xe đã bị tai nạn hay chưa. Và nếu người mua không cẩn trọng, việc mua phải chiếc xe đã gặp nạn không phải là điều khó hiểu.
Những “kỹ xảo” tinh vi
Dễ nhận thấy, trên mạng, người bán được quyền tự quảng cáo chất lượng xe mà không có bất kỳ đơn vị nào chứng nhận. Nói cách khác, đánh giá của họ chỉ là định tính chứ không thể định lượng. Bởi vậy, dù bên mua cẩn thận yêu cầu đưa xe đến cơ sở uy tín để kiểm tra thì dù thế nào, bên mua cũng mất chi phí và thời gian cho việc cẩn thận đó.
Khi yêu cầu đưa xe đến xưởng dịch vụ để kiểm tra tổng thể, phóng viên đã được người mua dẫn đến một gara và kết quả chứng nhận đây là một chiếc Mazda3 “hoàn hảo”. Để đảm bảo chắc chắn, phóng viên tiếp tục đề nghị mang xe đến một đại lý chính hãng để kiểm tra lại, sau một hồi thuyết phục bằng kết quả kiểm tra lần đầu, người bán đồng ý với bên mua.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra xe tại cơ sở sửa chữa có uy tín lại chỉ ra rằng chiếc Mazda3 đã bị ngập nước và hệ thống điện bị thay đổi khá nhiều. Thương vụ bị hủy bỏ và phóng viên phải chịu chi phí kiểm tra tổng thành cho chiếc xe vốn được quảng cáo “chưa bơi lội và đấm bốc”.
Ông Trần Trường Long, người 10 năm kinh doanh xe cũ khẳng định, phải tháo rời các bộ phận của xe mới có thể đánh giá được độ cũ và chất lượng xe tại thời điểm đó. Do vậy, nhiều thợ bán xe tìm nhiều cách để qua mặt những khách hàng thuộc diện “thánh soi”.
Giờ đây cò xe không chỉ tập trung tân trang vỏ ngoài bóng bẩy, che giấu đi lớp bên trong cũ nát để lừa khách nữa mà còn “mạnh tay” thay thế phụ tùng mới nhưng nguồn gốc không rõ ràng… Với “kỹ xảo” tinh vi này, không ít người mua dù có nhờ thợ đi xem xe cũng khó phát hiện đó là xe cũ nát.
Ngoài ra, không hiếm gặp những người rao bán xe quảng cáo xe dễ dàng chuyển chủ sở hữu, nhưng khi giao dịch trực tiếp lại giấy tờ xe không phải của người bán. Và nếu cố tình mua do chiếc xe quá mới và đẹp, rất dễ đối mặt với nguy cơ mua phải xe ăn cắp.
Sau tất cả, những gì bạn cần làm là lường trước các hiểm họa trên khi có ý định mua xe cũ qua mạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận