Như Báo Giao thông đã đưa tin, khoảng 16h30 ngày 6/8/2019, bé trai Lê Hoàng L., học sinh lớp 1 trường quốc tế Gateway ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) tử vong thương tâm vì bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của nhà trường.
Cách đây vài năm, vào ngày 8/7/2015 ở tỉnh Tây Ninh, cũng xảy ra vụ việc đau lòng khiến 2 đứa trẻ bị chết ngạt khi chui vào trong cốp xe ô tô mải nghịch mà người lớn không hay biết.
Với người lớn, gần đây nhất là vụ một giám đốc doanh nghiệp ở Hải Phòng bị ngạt dẫn đến tử vong trong xe sedan 5 chỗ hôm 19/9/2018, sau khi khóa cửa xe mở điều hòa rồi nằm ngủ quên.
Mỗi năm, trung bình có tới 40 trẻ em thiệt mạng vì bị “bỏ quên” trong những chiếc xe đỗ trong thời tiết nắng nóng, oi ả. Đó là con số thống kê tính riêng tại nước Mỹ khiến nhiều bậc cha mẹ phải giật mình.
Trong những vụ việc đó, có những trường hợp là do bố mẹ để quên con trên xe mà không hề hay biết. Có những trường hợp là do bố mẹ cố tình bỏ con trên xe để đi giải quyết công việc của mình mà khi quay trở lại thì chuyện đáng tiếc đã xảy ra.
Những tai nạn ngạt khí trên xe ô tô, đặc biệt là các vụ làm trẻ em thương vong đều vô cùng đau lòng bởi hoàn toàn có thể tránh được điều đáng tiếc, nếu như người lớn cẩn trọng, có trách nhiệm với công việc của mình.
Sự sơ sểnh, đãng trí của người lớn đã là một nhẽ, nhưng nếu người lớn hiểu rõ và biết cách đề phòng trẻ bị ngạt thở trên ô tô đã dừng, đỗ, thì chắc chắn sẽ tránh được những hậu quả thương tâm như vậy.
Ngạt hệ thống
Chia sẻ với Báo Giao thông, một bác sỹ Nhi khoa thuộc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết: "Ngủ trong ô tô đóng kín, bật điều hòa dễ bị ngạt khí, nhất là với tài xế, phụ nữ, trẻ em, người có men bia rượu… Y học gọi là dạng ngạt hệ thống, rất khó cứu chữa".
Do không gian bị đóng kín, lượng oxy trong khoang xe giảm dần, trong khi người ngủ trên xe hoặc ngủ say lịm dần, hoặc ngạt khí dần dần. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ thiếu ôxy lên não, để lâu sẽ dẫn đến hôn mê, tử vong, cứu được cũng sẽ sống đời sống thực vật do não bị tổn thương.
Với trẻ nhỏ càng nguy hiểm hơn, bởi chúng không thể phản ứng tự vệ, dù chỉ là kêu cứu hay vẫy vùng để tự mở cửa xe từ bên trong.
Chưa kể, khi la hét kêu cứu trong xe, đứa bé càng tiêu tốn lượng khí oxi ít ỏi còn lại, đồng thời sự hoảng loạn khiến đứa bé tiêu hao năng lượng sinh tồn nhanh hơn, sẽ từ từ lịm đi rồi tử vong.
"Trẻ con tử vong do sốc nhiệt có thể xảy ra kể cả khi xe đỗ trong bóng râm, thân nhiệt của trẻ con có thể tăng nhanh hơn từ 3 đến 5 lần so với người lớn. Sốc nhiệt xảy ra khi thân nhiệt vượt quá 40 độ C và nếu đạt mức gần 42 độ C là có thể dẫn đến tử vong", nữ bác sỹ cho hay.
Xử trí tình huống khẩn cấp như thế nào?
Chuyên gia y tế phân tích rằng khí CO2 không mùi, không vị, không gây đau đớn, do đó người bị ngạt không hề có phản ứng tự vệ, cơ thể không “cảnh báo” được nguy hiểm để kịp thời thoát khỏi xe. Đến khi bị sốc do thiếu oxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì lập tức họ đã rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong do ngạt.
Thông thường khi bị ngạt khí nặng, những biểu hiện sẽ xảy ra như: đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, phỏng da, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ.
Người ngoài có thể thấy nạn nhân bị ngất, khó thở, thở trào bọt hồng, tay chân sưng đau, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần hoặc có những động tác bất thường.
Cơ hội sống sót của nạn nhân bị ngạt khí phụ thuộc vào thời gian được đưa tới bệnh viện. Khi thấy có người bị ngạt khí, cần mở hết các cửa để không khí tràn vào và đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, nhanh chóng đưa tới bệnh viện để cấp cứu, hạn chế di chứng.
Đối với trẻ em, giải pháp duy nhất cho tất cả các ông bố bà mẹ, hay bất kể người lái xe nào, đó là trước khi rời xe phải kiểm tra xem con mình hoặc có ai còn lại trên xe hay không. Đặc biệt là với xe khách, xe dịch vụ, có thể có hành khách ngủ quên chưa kịp ra khỏi xe. Với trẻ em lại càng cần cẩn thận, vì các bé chưa đủ trưởng thành để tìm cách liên lạc với bên ngoài nhờ trợ giúp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận