CEO Honda, ông Toshihiro Mibe, gặp khó khăn trong việc giải thích lợi ích chiến lược của việc Honda và Nissan sáp nhập. Khi được hỏi vì sao Nissan là đối tác phù hợp với Honda, ông chỉ đáp ngắn gọn: “Đó là câu hỏi khó”.
Dù 2 hãng Nhật Bản có thể kết hợp tạo ra một “ông lớn” trong ngành công nghiệp ô tô với sản lượng 7,4 triệu xe mỗi năm, nhiều ý kiến lo ngại rằng đây là bước đi liều lĩnh thay vì chiến lược sáng suốt, trang Autoblog nhận định.
Thương vụ không cân xứng
Sự kết hợp giữa Honda và Nissan dường như không phải là cuộc sáp nhập của những đối tác ngang tầm.
Honda vẫn giữ được sự ổn định nhờ dải sản phẩm xe hybrid và lượng khách hàng trung thành. Tuy nhiên, hãng đang gặp khó khăn trong việc tạo dấu ấn trên thị trường xe điện (EV), đặc biệt sau khi hợp tác với General Motors thất bại.
Ngược lại, Nissan đang trong tình trạng tài chính tồi tệ. Hệ thống đại lý của hãng giảm khả năng kinh doanh, và dải sản phẩm EV dần trở nên lỗi thời. Mẫu Leaf từng là biểu tượng của xe điện giờ đã lạc hậu, trong khi mẫu Ariya không đạt được thành công như mong đợi.
Giới phân tích cho rằng, Honda có thể đang đóng vai trò "hiệp sĩ cứu nguy" để ngăn chặn khả năng Nissan bị thâu tóm bởi Foxconn – một tập đoàn công nghệ lớn của Đài Loan.
Mặc dù Honda tuyên bố việc sáp nhập “không phải một cuộc giải cứu”, nhiều người vẫn nhìn nhận đây là nỗ lực nhằm ổn định Nissan và bảo vệ ngành ô tô Nhật Bản khỏi sự kiểm soát của nước ngoài.
Có thông tin rằng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã khuyến khích thương vụ này. Chính phủ Nhật Bản có thể muốn đảm bảo Nissan vẫn nằm trong tầm kiểm soát nội địa, ngăn chặn sự can thiệp của Foxconn.
Foxconn, vốn nổi tiếng với việc sản xuất iPhone cho Apple, được cho là đã tạm hoãn kế hoạch mua lại Nissan để chờ kết quả đàm phán giữa Honda và Nissan.
Tuy chưa hoàn toàn loại trừ khả năng tham gia trong tương lai, Foxconn dường như đang theo dõi các bước đi của hai hãng xe Nhật Bản trước khi đưa ra quyết định tiếp theo.
Honda và Nissan có thể mang lại gì cho nhau?
Trên lý thuyết, thương vụ này có thể mang lại một số lợi ích. Công nghệ hybrid của Honda có thể giúp Nissan hiện đại hóa dòng sản phẩm, trong khi cơ sở hạ tầng EV của Nissan có thể là bệ phóng để Honda cạnh tranh trong thị trường xe điện.
Ngoài ra, mạng lưới sản xuất và sự hiện diện tại Đông Nam Á của Nissan cũng có thể bổ trợ cho hoạt động toàn cầu của Honda.
Tuy nhiên, sự chồng chéo giữa hai công ty là rất lớn, và không rõ liệu sự kết hợp này có tạo ra một thực thể mạnh mẽ hơn hay không. Chuyên gia phân tích Julie Boote từ Pelham Smithers Associates tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của thương vụ, cho rằng Honda nên chọn một đối tác tài chính vững mạnh hơn.
Cả Honda và Nissan đều đang đối mặt với vấn đề dư thừa công suất sản xuất và sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc. Điều này vừa thúc đẩy, vừa làm suy yếu lý do hợp tác giữa hai bên.
Nhiều phản ứng trái chiều
Nếu thương vụ được thực hiện, đây sẽ không phải là giải pháp nhanh chóng. Các nhà phân tích từ AlixPartners ước tính, phải mất từ 3 - năm để thấy được kết quả đáng kể từ việc sáp nhập.
Trong thời gian đó, các đối thủ như Toyota, Volkswagen và các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có thể gia tăng khoảng cách với Honda và Nissan.
Cựu CEO Nissan, Carlos Ghosn, cũng bày tỏ quan ngại về thương vụ này, cho rằng “việc sáp nhập đang đặt quyền kiểm soát lên trên hiệu quả" và "không nghĩ rằng thương vụ sẽ thành công”.
Kể từ khi thông tin sáp nhập xuất hiện, giá cổ phiếu của cả Nissan và Honda đều biến động mạnh. Giá cổ phiếu Nissan tăng hơn 60% sau tin tức, nhưng đã giảm nhanh chóng trong những ngày gần đây do lo ngại về quyền lợi của cổ đông.
Trong khi đó, giá cổ phiếu Honda tăng khoảng 17% sau khi hãng công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 7 tỷ USD từ nay đến tháng 12/2025. Điều này giúp trấn an các nhà đầu tư lo ngại rằng thương vụ sáp nhập sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị công ty.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận