Ở phân khúc SUV cỡ nhỏ, Hyundai Thành Công (HTC) từng lần lượt tung ra thị trường chiếc i20 Active rồi Hyundai Creta nhằm cạnh tranh với Ford EcoSport. Tuy nhiên do những hạn chế về thiết kế và giá bán nên những mẫu xe này không thể cạnh tranh. Theo một số nhận định, chỉ đến khi Kona xuất hiện, HTC mới thực sự có trong tay một quân cờ tương xứng, đủ sức làm đối trọng và cạnh tranh sòng phẳng với các mẫu xe cùng phân khúc, nhất là với Ford EcoSport.
Hyundai Kona lần đầu tiên được ra tại Hàn Quốc vào tháng 6/2017 và hiện được Hyundai Thành Công lắp ráp tại Việt Nam. Mẫu xe này chính thức được giới thiệu tại thị trường Việt Nam ngày 22/8 vừa qua với 3 phiên bản khác nhau có giá lần lượt là 615 triệu đồng (bản 2.0AT), 675 triệu đồng (bản 2.0 AT đặc biệt) và phiên bản cao cấp nhất 1.6 Turbo có giá 725 triệu đồng.
Ngoại thất: Phá cách
Hyundai Kona được sở hữu ngôn ngữ thiết kế mới nhất của hãng xe Hàn Quốc. Phần đầu xe có thiết kế lưới tản nhiệt dạng Cascading Grille mới thay vì kiểu 6 cạnh truyền thống. Dải đèn pha hẹp, mang lại ấn tượng khác biệt so với các dòng SUV mà Hyundai đang có. Hệ thống chiếu sáng LED được sử dụng rộng rãi, bao gồm cả ở đèn ban ngày và đèn pha. Bên cạnh đó, trang trí màu bạc đã được áp dụng cho đèn sương mù và hút gió phía dưới.
Thân xe Kona sở hữu đường roofline tròn trịa để tăng cường vẻ thể thao cho mẫu xe này. Ở phía dưới, các tấm chắn bùn được thiết kế rộng trùm ra phía ngoài. Kona phiên bản cao cấp nhất được trang bị Lazang hợp kim 18 inch. Thân xe thấp và rộng với chiều dài cơ sở dài hơn và đầu xe ngắn.
Phía sau Kona cũng có thiết kế khá phá cách với các cụm đèn sau được làm mới hoàn toàn. Cụm đèn sau được chia tách làm 2 phần riêng biệt. Đèn chiếu sáng sau được đưa lên trên có thiết kế thanh mảnh hơn. Cụm đèn báo rẽ và đèn lùi được hạ thấp xuống dưới và tách biệt. Đây cũng là thiết kế rất ít bắt gặp trên những mẫu xe hiện nay. Tổng thể thiết kế trên Kona khá ấn tượng và được nhiều người đánh giá là có sự phá cách nhất phân khúc B-SUV.
Nội thất: Tràn ngập tiện nghi đúng chất những mẫu xe Hàn
Bước vào khoang nội thất trên Kona ấn tượng đầu tiên là xe có thiết kế khá liền mạch. Các chi tiết nội thất trên phiên bản cao cấp được hoàn thiện khá tốt. Kona được trang bị Vô lăng 3 chấu bọc da được tích hợp các nút bấm chức năng. Cảm giác chất lượng da bọc vô lăng khá sang trọng, sờ khá mát tay, các đường chỉ khâu cũng được hoàn thiện rất tốt.
Phiên bản 1.6 Turbo được trang bị màn hình giải trí cảm ứng IPS điện dung đa điểm 8 inch được thiết kế dạng Fly-monitor mới, đem đến phong cách hiện đại, sang trọng. Màn hình này tích hợp camera lùi cùng hệ thống dẫn đường được Hyundai phát triển dành riêng cho thị trường Việt Nam. Ngoài ra, trên phiên bản cao cấp nhất được trang bị hệ thống điều hoà 2 vùng độc lập.
Điểm đặc biệt và đáng tiền nhất trên phiên bản cao cấp là cửa sổ trời và sạc không dây. Đây là những trang bị sẽ không thể tìm thấy trên các phiên bản thấp hơn. HTC cũng cho biết, Hyundai Kona là chiếc xe duy nhất trong phân khúc ở Việt Nam được trang bị sạc không dây chuẩn Qi.
Vận hành: Động cơ 1.6 Turbo cho cảm giác lái quá ấn tượng
Ở phiên bản cao cấp nhất (1.6 Turbo), Kona trang bị động cơ Gamma 1.6T-GDI. Động cơ này cho công suất tới 177 mã lực và đi kèm hộp số ly hợp kép 7 cấp DCT. Ngoài ra, xe còn được trang bị chức năng Drive Mode cho phép lựa chọn tới 3 chức năng lái gồm Comfort - Eco - Sport mang đến nhiều những trải nghiệm lái khác nhau.
Cảm nhận đầu tiên khi để chế độ lái Comfort là Kona di chuyển khá hiền lành với dải tốc độ thấp dưới 40 km/h. Vòng tua máy cũng chỉ duy trì khoảng dưới 3.000 vòng/phút lúc này thì chưa thể thấy được sự vượt trội của động cơ Turbo. Cũng ở dải tốc độ này, Hyundai Kona không có quá nhiều vượt trội so với Ford EcoSport bản 1.0 EcoBoost, thậm chí còn có hạn chế khi trọng tâm xe hơi thấp và gương chiếu hậu cũng khá nhỏ.
Ở chế độ Eco khả năng vận hành của Kona cũng không có quá nhiều khác biệt so với chế độ Comfort. Xe duy trì mức vòng tua máy khá ổn định khoảng 2.000 vòng phút cùng với đó là độ trễ chân ga tăng lên đôi chút. Đây cũng là điều dễ hiểu khi đây là chế độ lái tiết kiệm nhất. Thời điểm thấp điểm nhất đồng hồ trên Kona chỉ báo mức tiêu hao nhiêu liệu khoảng 5,4l/100km ở chế độ lái Eco.
Phải đến khi chuyển chế độ lái Sport mới cảm nhận sức mạnh của động cơ 1.6L Turbo trên Kona. Chỉ sau cú bấm chuyển chế độ sự khác biệt đã được thấy rõ. Chân ga của Kona trở nên nhạy bất ngờ, cú nhấn ga đầu tiên chưa thật quá sâu nhưng chiếc xe đã vút đi. Tốc độ được đẩy lên khá nhanh cùng với đó là tiếng bô vọng vào cabin rất phấn khích. Ở chế độ này không chỉ động cơ 1.6 turbo mà cả hộp số ly hợp kép cũng phát huy hết ưu việt của mình. Kona vút đi nhưng khi chuyển số gần như không cảm thấy độ trễ chút nào. Xe được đẩy lên tốc độ 120km/h nhưng vẫn chỉ duy trì ở số 6 cũng cho thấy sư ưu việt của hộp số ly hợp kép 7 cấp trên Kona.
Tuy nhiên, ở lần tăng tốc tiếp theo có một điểm hạn chế đó là hệ thống treo sau thanh xoắn. Khi đạp hết ga xe vọt đi rất nhanh những phần đuôi xe lại có hiện tượng hơi vẩy. Cũng khá ngạc nhiên khi Hyundai Thành Công không trang bị cho Kona hệ thống treo liên kết đa điểm như trên nhiều mẫu SUV hay Crossover hiện nay. Có lẽ vấn đề này được tính toán để giảm giá thành của mẫu xe này để tăng sức cạnh tranh.
Kết luận: Nếu mua Kona nên mua bản 1.6L Turbo
Sự chênh lệch giữa các phiên bản Kona khác nhau là khoảng 50-60 triệu đồng, đây là một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên nễu đã trải nghiêm và có sự so sánh giữa Kona bản turbo và Kona bản 2.0 thì chắc chắn bạn sẽ có suy nghĩ: "phấn đấu’ để mua bản 1.6L Turbo". Tóm lại, tuy vẫn còn có hạn chế nhưng Kona vẫn là sự lựa chọn khó có thể bỏ qua trong phân khúc B-SUV tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, Hyundai Kona sẽ cạnh tranh với Ford Ecosport và Honda HR-V. Chỉ sau những cú đề pa đầu tiên cả Kona và HR-V đang thực sự thách thức ngôi vương trong phân khúc của EcoSport.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận